Hải Võ |
Nhiều vụ "ngã ngựa" của quan chức Trung Quốc khiến người dân nước này bất ngờ bởi có khi chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ trước đó còn thấy các tham quan tươi cười trên báo, đài.
Theo trang Kinh tế Trung Quốc (ce.cn), chính bởi hiện tượng này nên mỗi khi có một vụ quan chức Trung Quốc bị xử lý, giới thạo tin nước này thường ngay lập tức kiểm tra thời điểm, sự kiện cuối cùng mà quan chức đó lộ diện.
Có một vấn đề mà truyền thông cũng như người dân Trung Quốc đều hiếu kỳ, đó là việc "ngã ngựa" của các tham quan chắc chắn được nhà chức trách nắm rõ, nhưng bản thân các "hổ, ruồi" có biết mình sắp bị xử lý hay không?
Dấu hiệu trong các cuộc "nhậu"
Những quan chức không thể nhận thấy "động tĩnh" gì trước khi "ngã ngựa" thường bị truyền thông đánh giá chỉ là "hổ giấy", trong khi những tham quan lăn lộn nhiều năm trên quan trường được gọi là "nhân tài", thậm chí không bao giờ để lộ tâm lý, thái độ ra ngoài.
Tuy nhiên, các "hổ lớn" cũng không hoàn toàn đạt tới cảnh giới "vô sắc, vô thanh" như vậy. Ví dụ, trong vụ Phó Thị trưởng Thượng Hải Ngải Bảo Tuấn bị xử lý hồi tháng 11, báo chí Trung Quốc đã bắt được một chi tiết lạ.
Sau khi cấp dưới cũ của mình là Đới Hải Ba bị điều tra, tâm lý của Ngải bắt đầu dao động, điển hình là việc ông này đã có một lần say khướt.
Theo ce.cn, "hổ béo" họ Ngải được biết đến là quan chức có tửu lượng tốt và hầu như chưa từng bị say.
Tuy nhiên, trong một cuộc nhậu sau vụ Đới Hải Ba, ông này được mô tả là có biểu hiện bất thường, thậm chí bỏ qua mọi lời khuyên của những người trong cuộc và mời rượu hết người này đến người khác, kể cả các quan chức cấp rất thấp.
"Dường như ông ta cố ý uống nhiều, về sau bị say và phải nhờ 2 người khác đưa lên xe," một người trong cuộc tiết lộ.
Ngải Bảo Tuấn từng say khướt trước khi bị Bắc Kinh điều tra
Truyền thông Trung Quốc luôn tin rằng "nhậu" là một văn hóa đặc sắc khó nhầm lẫn tại nước này, mà trọng tâm không nằm ở ăn gì hay uống rượu gì, mà là ăn cùng ai, nói chuyện cùng ai, nói chuyện gì.
Một trường hợp khác là cựu Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây Tô Vinh trong một buổi tụ hội trước giờ "ngã ngựa" đã gửi gắm những lời đầy ẩn ý và khuyên các đồng nghiệp "hãy bảo trọng". Nhưng cũng chỉ tới khi Tô bị Bắc Kinh xử lý thì người ta mới ngỡ ngàng nhận ra ý nghĩa câu chuyện trong bữa ăn nọ.
Khác với Tô Vinh, cựu Phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh An Huy Hàn Tiên Thông trước khi bị bắt đã "lỡ" mất 2 cuộc nhậu.
Là một quan chức cấp phó ở tỉnh, Hàn thường xuyên ra vào các khách sạn và tụ điểm cao cấp do quan chức, doanh nghiệp mời.
Trong ngày mà Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) ra quyết định lập án điều tra, trên điện thoại của Hàn Tiên Thông còn 2 tin nhắn "mời nhậu" vào trưa và tối.
Không rõ các vị "chủ xị" ngày hôm đó phản ứng ra sao, nhưng báo chí Trung Quốc cũng nhắn nhủ rằng, nếu mời cơm các quan chức mà thấy họ trễ hẹn, điện thoại không liên lạc được... thì cũng nên sẵn sàng chờ đợi "tin xấu".
Giải mã tâm lý các "hổ": Không gì đáng sợ bằng trước giờ "ngã ngựa"
Thông tin chính thức về việc quan chức bị xử lý đương nhiên phải đến từ nhà chức trách, song một số dấu hiệu "bên lề" cũng cho phép người ta dự đoán kết cục của một tham quan.
Ví dụ, cựu Tỉnh trưởng Phúc Kiến Tô Thụ Lâm bị "ngã ngựa" trong ngày cuối cùng của tuần nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc (1-7/10) năm nay.
Trước đó, Tô đã đặt vé máy bay và thông báo lịch trình cho cấp dưới của mình, song các nhân viên của ông ta đã không thấy Tô xuất hiện ở sân bay Phúc Châu, trong khi các lãnh đạo tỉnh khác đều trở về địa phương kịp thời. Khi đó một số người mới nhận ra Tô Thụ Lâm "có chuyện".
Cấp dưới nhận ra Tô Thụ Lâm "ngã ngựa" khi ra đón ở sân bay mà... không gặp
Truyền thông Trung Quốc tiết lộ, trên thực tế chính các "hổ lớn" thường rất nhạy bén trong việc nhận ra "tín hiệu ngã ngựa" của mình.
Các tham quan đều hiểu rõ việc vắng mặt tại một sự kiện công khai nào đó sẽ tạo không gian cho sự suy diễn bất lợi trên truyền thông cũng như dư luận.
Trường hợp nổi bật là cựu Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch. Biểu hiện "chột dạ" của ông Lệnh là thường dò hỏi xung quanh rằng các hội nghị, hoạt động mà ông này tham gia... có được phát trên truyền hình hay không?
Đối với một quan chức trong gian đoạn "thấp thỏm" như Lệnh, việc lộ diện trên truyền thông mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, ngày hôm sau vụ con trai ông ta chết trong tai nạn xe Ferrari (18/3/2012), "hổ béo" họ Lệnh vẫn xuất hiện bình thản trong một sự kiện lớn.
Trong khi đó, cựu Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Sơn Đông, cựu Bí thư thành ủy Tế Nam Vương Mẫn tiết lộ đầy đủ với các nhà điều tra về tâm lý sợ hãi trước khi "ngã ngựa".
Ông này kể lại: "Hàng đêm khó ngủ, hầu như ngày nào cũng toát mồ hôi lạnh giữa đêm, tỉnh dậy thì không sao ngủ lại được, không biết lúc nào sẽ xảy ra chuyện.
Ban ngày thường như kẻ mất hồn, khi Tỉnh ủy thông báo họp thì chỉ lo bị bắt ngay tại hội trường. Đi làm thì sợ không về được nhà. Lãnh đạo hẹn trao đổi công tác cũng sợ là bàn chuyện "ngã ngựa".
Ngồi trong cuộc họp thường bất an, lúc ở một mình thì thường thở ngắn than dài, hay tự đấm vào đầu mình để giải tỏa tâm lý."
Dấu hiệu "ngã ngựa" thể hiện ngay trên ngoại hình
Theo Kinh tế Trung Quốc, ngay cả những "hổ lớn" quyền cao chức trọng nhất cũng không thể giấu giếm được dấu hiệu sắp "ngã ngựa" của mình.
Cựu Phó cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Trung Quốc Tiêu Thiên vẫn được các đồng nghiệp nhận xét là "không có gì bất thường" vào ngày mà ông này "ngã ngựa".
Tuy nhiên, thực chất bản thân Tiêu Thiên đã biết trước khả năng bị Bắc Kinh xử lý từ lâu khi mọi đề xuất xin đi công tác nước ngoài của quan chức này từ đầu năm 2015 đều không được trung ương phê duyệt.
Báo cáo sau khi Tiêu bị xử lý cho thấy, cựu Phó cục trưởng này đã gặp vấn đề sức khỏe và trở nên già nua hơn rất nhiều chỉ trong khoảng nửa năm trước khi "ngã ngựa".
Một "hổ béo" khác cũng trở nên tiều tụy rõ rệt trong thời kỳ trước "ngã ngựa" là cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) kiêm Cục trưởng Năng lượng quốc gia Trung Quốc Lưu Thiết Nam.
Dù không miêu tả chi tiết, nhưng trong một cuộc tọa đàm của NDRC có sự tham gia của các lãnh đạo Trung Quốc trước thềm Tết nguyên đán 2013, "tư thế ngồi, thái độ trên gương mặt đã đủ để truyền thông hiểu được điều gì xảy ra".
Hình ảnh của Lưu Thiết Nam (giữa) trong một hội nghị đầu năm 2013. Ông này bị điều tra vào tháng 5 cùng năm.
Trên các mạng xã hội của Trung Quốc ngày càng phổ biến việc "phân tích những biểu lộ nhỏ nhất".
Người ta chỉ ra, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành - "con hổ" đầu tiên mở màn chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh sau đại hội đảng XVIII (2012), có giọng đọc rất yếu ớt khiến các đồng nghiệp phải bất ngờ khi tham dự một hội nghị trước khi "ngã ngựa" không lâu.
Theo ce.cn, trong giai đoạn dự đoán trước sẽ bị điều tra, Lý Xuân Thành thường tỏ ra chán nản, mất tinh thần mỗi khi lộ diện trước công chúng, "ánh mắt chậm chạp, không ngừng khua bút trong tay, môi thường mím chặt, cằm hay rung lên".
Các nhà quan sát bình luận trên truyền thông cho biết, đây là những biểu hiện trầm uất điển hình.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét