Dù một mực khẳng định dự án Con đường tơ lụa hàng hải chỉ phục vụ mục đích phát triển kinh tế song hành động đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti đã tố cáo Trung Quốc có sẵn mưu đồ quân sự và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Theo tạp chí The Diplomat, nhận định trên càng được củng cố sau tuyên bố chung của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình với người đồng cấp Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh bên lề Hội thảo Hợp tác Trung Quốc – châu Phi ở Johannesburg. Như Tân Hoa Xã đưa tin nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hoan nghênh "Djibouti tham gia phát triển đề xuất Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 của Bắc Kinh theo những cách phù hợp". 
Khả năng Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở bất cứ cảng biển nước này sở hữu dù chúng nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. 
Trong khi đó, một thông tin gây sốc hồi tuần trước cho hay Trung Quốc đã chọn Djibouti, quốc gia nhỏ bé ở Đông Phi làm nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Đây chính là dấu hiệu cho thấy Djibouti đã tham gia một cách "phù hợp" trong kế hoạch phát triển Con đường tơ lụa hàng hải của Trung Quốc. 
Cụ thể hôm 26/11, chính phủ Trung Quốc đã ký kết bản thỏa thuận có thời hạn 10 năm với Tổng thống Djibouti để xây dựng một căn cứ hải quân đóng vai trò là trung tâm hậu cần cho các tàu thuyền của Hải quân Trung Quốc tham gia sứ mệnh chống hải tặc ở khu vực ngoài khơi bờ biển Yemen. Những thông tin đăng tải ban đầu của giới truyền thông cho thấy chi phi hoạt động của căn cứ này là 100 triệu USD/năm và được đặt tại vùng bắc Obock. Đây cũng chính là nơi một tiền đồn của Mỹ đã buộc phải đóng cửa hoạt động hồi đầu tháng Tám. 
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại chọn Djibouti làm nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài? 

Trước hết, Djibouti là một quốc gia khá yên bình và nằm ngay trên tuyến đường thương mại chiến lược nối kênh đào Suez với Ấn Độ Dương. Từ Djibouti, máy bay tuần tra đường biển Shaanxi Y-8 của Trung Quốc không cần hạ cánh tiếp nhiên liệu mà vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ quan sát gần như toàn bộ bán đảo Ả Rập cũng như khu vực Bắc và Trung Phi. 
Thứ hai, như Giáo sư Andrew Erickson tại Đại học Hải chiến Mỹ nhận định với mực nước sâu 18m, cảng biển của Djibouti có thể phục vụ nhiều loại tàu thuyền bao gồm tàu sân bay hoặc tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc Type 071 LPD. 
Thứ ba, đặt căn cứ hải quân ở Djibouti được xem là một ý kiến sáng suốt bởi Mỹ đã đóng cửa căn cứ và rút vũ khí khỏi Obock, khu vực mà Washington tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố al Shabaab và al Qaeda. 
Cuối cùng, trong những tháng gần đây, Tổng thống Djibouti đã nhiều lần khẳng định ông này là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc. 
Trên thực tế, mới chỉ cách đây một năm, Djibouti dường như chưa có tên trong các phiên nghị sự an ninh của Bắc Kinh. Bởi kể từ khi trở thành Tổng thống Djibouti vào năm 1999, ông Guelleh chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Mỹ và Pháp để duy trì quyền lực. Nhưng sau khi Quốc hội Mỹ chỉ trích chính quyền của ông Guelleh vi phạm nhân quyền như đàn áp các phe đối lập chính trị và mưu đồ cố vị thêm nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư, ông Guelleh đã chuyển hướng sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Hành động này khiến giới ngoại giao Mỹ vô cùng lo lắng. 
Hồi tháng Tám, tờ Telegraph dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: "Nhiều người lo ngại về việc Tổng thống Guelleh thắt chặt quan hệ với Trung Quốc cũng như đưa ra các quy định hạn chế Mỹ tiếp cận căn cứ quân sự đặt tại Djibouti. Hành động này đã làm ảnh hưởng tới nỗ lực của phương Tây trong việc thu thập thông tin tình báo về lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và al-Qaeda". Và chỉ 4 tháng sau, nhận định của vị quan chức Mỹ đã trở thành sự thật. 
Chuỗi ngọc trai?
Tranh cãi về việc Trung Quốc giấu diếm tham vọng quân sự trong dự án "Một vành đai, một con đường" có tổng trị giá lên tới 140 tỷ USD, đã âm ỉ bấy lâu nay. Mục tiêu cuối cùng của dự án này là giúp Hải quân Trung Quốc có thể tiếp cận hàng loạt cầu cảng kéo dài từ Biển Đông cho tới khu vực bờ biển Đông Phi. Đây chính là mô hình "chuỗi ngọc trai", thuật ngữ nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton sử dụng trong nghiên cứu năm 2005. 
Lính Hải quân Trung Quốc canh gác cho công dân nước nhà lên tàu Linyi ở cảng Aden.
Danh sách các cầu cảng nằm trong "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc gồm có Colombo ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Chittagong tại Bangladesh, đảo Maday của Myanmar và cảng Victoria ở Seychelles. Về phần mình, Trung Quốc không thừa nhận "chuỗi ngọc trai" thể hiện tham vọng bành trướng toàn cầu mà chỉ khẳng định toàn bộ các khoản đầu tư chỉ nhằm phát triển kinh tế và mở rộng dự án Con đường tơ lụa trên biển. Tuy nhiên, việc đưa Djibouti vào cùng chung danh sách này cho thấy dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là phục vụ phát triển kinh tế. 
Việc chọn châu Phi là khu vực thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài cũng đã khiến chính quyền Bắc Kinh nhiều lần tranh cãi về chiến lược thi hành suốt 10 năm qua về việc không can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác cũng như không đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài. 
Với tổng giá trị thương mại song phương kỳ vọng đạt trần 300 triệu USD trong năm nay cùng khoản đầu tư liên tục vào phát triển nguyên liệu thô giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu công nhân Trung Quốc, Bắc Kinh dường như vẫn chưa sẵn sàng đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh tại Djibouti. Trong khi đó, công dân Trung Quốc từng bị nhóm Boko Haram bắt cóc tại Cameroon, hay sát hại ở Mali cũng như bắt làm con tin tại Sudan và Ai Cập và thậm chí trở thành đối tượng bị ngược đãi hàng ngày ở Angola. Bài học sương máu nhất đối với Trung Quốc là sự kiện Hải quân nước này phải thuê tàu thuyền để sơ tán 35.800 công dân về nước trong cuộc bạo loạn ở Libya.  
Song trên hết, châu Phi vẫn là một trong những điểm đến trong chính sách mở rộng vai trò toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai. Điển hình, hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã lần đầu tiên điều động binh sĩ tới Nam Sudan tham gia sứ mệnh của Liên Hợp Quốc và đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các bên tranh chấp. 
Tuy nhiên việc sáp nhập căn cứ Obock vào khuôn khổ Con đường tơ lụa hàng hải đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về khả năng Trung Quốc tiến hành quân sự hóa mọi cầu cảng mà nước này sở hữu dù chúng nằm ở bất cứ đâu. Đây chính là viễn cảnh khiến Mỹ và các đồng minh quan ngại. 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
MINH THU (lược dịch)