HỒNG THỦY
(GDVN) - Trung Quốc và Hoa Kỳ dù làm gì cũng nên nhớ rằng, trong lịch sử của mình người Việt Nam luôn ghi nhớ nằm lòng không gì bằng độc lập tự chủ, trong khi bị các...
Bộ Ngoại giao và hải quân Trung Quốc tranh cãi về nổ súng đầu tiên ở Biển Đông?Bà Aung San Suu Kyi sẽ xiết chặt kiểm soát các dự án đầu tư từ Trung Quốc?Ông Tập Cận Bình bổ sung nghĩa mới cho từ "đồng chí"
Peter Marino, một nhà phân tích chính trị quốc tế chuyên nghiên cứu về Đông Bắc Á và kinh tế chính trị quốc tế ngày 4/12 bình luận, Việt Nam đang trở thành "chiến trường tiếp theo" trong cuộc đua tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo ông, các cuộc tranh giành quyền lực thường diễn ra trong các xung đột ủy nhiệm nóng hoặc lạnh.
Hình minh họa cạnh tranh ảnh hưởng địa chiến lược trên thế giới giữa hai siêu cường Hoa Kỳ, Trung Quốc, ảnh: Wikispaces.com |
Hoạt động tranh giành ảnh hưởng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày nay cũng như vậy, không có gì khác. Gần đây những hoạt động cạnh tranh giữa 2 cường quốc thế giới này đã bắt đầu diễn ra ở Ấn Độ, Mỹ La-tinh và nổi bật nhất là trong khu vực Đông Nam Á, một ngã tư thương mại toàn cầu và là điểm tập trung quan trọng của an ninh hàng hải.
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích đáng kể và đa dạng trong khu vực. Sự chú ý của hai cường quốc này đang tập trung trở lại Việt Nam với âm hưởng kỳ lạ của cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang nỗ lực để thúc đẩy lợi ích của mình trong khu vực.
Quan hệ Việt - Trung
Việt Nam là một đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 dự kiến có thể vượt 60 tỉ USD. Trong khi sản xuất công nghiệp nhẹ ở Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh do tăng tiền lương, Việt Nam cung cấp cơ hội đầu tư và vị trí liền kề để các doanh nghiệp di dời nhà máy từ Trung Quốc sang.
Thông qua việc cung cấp các gói đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại và hợp tác kỹ thuật không tốn kém, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong "sáng kiến" Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, một phần của chiến lược Một vành đai, một con đường mà ông Tập Cận Bình đưa ra nhằm kết nối cơ sở hạ tầng liên kết lục địa châu Á với tuyến đường thương mại hướng tới Trung Quốc.
Nhưng muốn chiến lược này hoạt động, quan hệ giữa hai nước phải được cải thiện. Căng thẳng và mất lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại hàng thế kỷ với các giai đoạn khác nhau bị đô hộ khiến người Việt Nam luôn cảnh giác chống lại nguy cơ Bắc thuộc. Gần nhất là cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979 và Việt Nam đã thắng.
Đầu tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc trong một thập kỷ. Đây là nỗ lực của phía Bắc Kinh để nhấn mạnh những "thành công" thương mại trong mối quan hệ song phơng và thúc đẩy nó để giúp quan hệ Việt - Trung vượt qua những căng thẳng bởi những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là sau vụ hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 năm ngoái.
Cách tiếp cận này là một trong những chiến thuật đối phó ngoại giao Bắc Kinh ưa dùng trong những năm gần đây, giảm nhẹ những căng thẳng chính trị bằng việc giữ sự tập trung vào xúc tiến thương mại và những thành công trong lĩnh vực đó.
Học giả Peter Marino, ảnh: Globalogues. |
Quan hệ Việt - Mỹ
Sự phát triển trong quan hệ Việt - Mỹ trong vài năm gần đây cho thấy trong trường hợp cụ thể này, chiến lược sử dụng đòn bẩy thương mại và tài chính của Trung Quốc có thể không đủ. Việt Nam và Hoa Kỳ đã xích lại gần nhau hơn trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại và đầu tư đến hợp tác an ninh quốc phòng.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ tuy khối lượng không bằng quan hệ với Trung Quốc, nhưng mang lại 35 tỉ USD mỗi năm và đang tiếp tục gia tăng. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành công nghiệp may mặc.
Quan trọng hơn là Việt Nam có thặng dư thương mại trong quan hệ với Hoa Kỳ. Trong khi đó sự thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc lại là một thực tế các nhà lãnh đạo Việt Nam không đánh giá cao và họ đang mong muốn mở rộng quan hệ sản xuất, cung cấp đầu ra thoát nghèo cho hàng triệu người dân.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó không bao gồm Trung Quốc. Việt Nam đã ký hiệp định này mặc dù phải tuân thủ những chính sách nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là liên quan đến các tiêu chuẩn về lao động.
Điều này báo hiệu một sự sẵn sàng của Việt Nam chấp nhận bỏ qua một số lợi thế thương mại trước mắt về nguồn lao động rẻ để có được những lợi ích lâu dài trong mối quan hệ kinh tế tổng thể gần gũi hơn với Hoa Kỳ và các nước khác trong TPP. Điều này có thể giúp Việt Nam cân bằng ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc.
Dù sao trong thời điểm này, lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam trùng nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã thăm Việt Nam một lần trong năm nay và sẽ quay trở lại trong chuyến công du châu Á tiếp theo. Tháng 7 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức lịch sử đầu tiên đến Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.
Peter Marino tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung trong việc chống lại các hành vi bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông và hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế ở Biển Đông mà Hoa Kỳ tiến hành nhận được sự chào đón thầm lặng từ Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Tổng thống Obama ban đầu đã dự kiến thăm Việt Nam trong thời gian đi dự hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tại Philippines, nhưng vì tình hình thay đổi khi nổ ra cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào Paris, ông Obama phải cắt ngắn hành trình trở lại Washington để tập trung vào Trung Đông.
Kết luận của Peter Marino và vài lời bình luận
Peter Marino tin rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Và vị trí địa chính trị quan trọng của mình trong khu vực cho thấy Việt Nam sẽ vẫn là trọng tâm của các hoạt động tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Nhưng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ dù làm gì cũng nên nhớ rằng, trong lịch sử của mình người Việt Nam luôn ghi nhớ nằm lòng không gì bằng độc lập tự chủ, trong khi bị các cường quốc cám dỗ và thúc đẩy. Quan trọng hơn cả, từ năm 1965 đến năm 1979, Việt Nam đã phải chiến đấu với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, và Việt Nam chiến thắng cả hai.
Bình luận của Peter Marino phản ánh những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ quốc tế giữa hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Bản thân ông đánh giá rất cao tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trước sự cạnh tranh ảnh hưởng, lôi kéo của các cường quốc, việc duy trì tinh thần độc lập tự chủ kết hợp khai thác tối đa các xu thế quan hệ quốc tế có lợi cho Việt Nam là việc rất quan trọng. Đồng thời, việc xử lý sao cho đúng đắn mối quan hệ khó khăn, phức tạp và nhạy cảm với các cường quốc mà đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng lớn tới tiền đồ của dân tộc Việt Nam và hòa bình, ổn định trong khu vực.
Muốn được như vậy, tinh thân độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải được mỗi người Việt coi như phương châm sống của mình. Trong một lần trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhã, ông có nói hai điều người viết rất tâm đắc. Một là, Việt Nam muốn bảo vệ được chủ quyền biển đảo thì phải trở thành cường quốc về biển.
Hai là, đất nước Việt Nam muốn phát triển cường thịnh thì thanh niên, thế hệ trẻ của Việt Nam phải học được cách yêu nước của thanh niên Nhật Bản và học được tinh thần sáng tạo của thanh niên Do Thái. Được như vậy, những nguy cơ, rủi ro trong cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc đối với Việt Nam có thể sẽ được hóa giải, thậm chí còn có thể biến thành cơ hội để đất nước này, dân tộc này vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Toàn văn tuyên bố tiêu diệt khủng bố toàn cầu của ông Obama
Đức Huy |
Hôm nay (6/12 - giờ Mỹ), tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu về vụ xả súng tại San Bernadino, cũng như tiến trình chống khủng bố của Mỹ trên toàn cầu.
LTS: Các bài phát biểu được một đương kim Tổng thống Mỹ đưa ra trong Phòng Bầu dục luôn có tính chất cực kì quan trọng.
Trong 7 năm đứng đầu Nhà Trắng, Barack Obama mới chỉ phát biểu tại đây đúng 3 lần: sau vụ tràn dầu Vịnh Mexico (2010), tuyên bố kết thúc chiến dịch tại Iraq (2010), và thông báo đã tiêu diệt được Osama Bin Laden (2011).
Yếu tố này, cộng với việc ông Obama chọn phát biểu vào khung giờ vàng (8h tối chủ nhật - khung giờ phía đông nước Mỹ), cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của vấn nạn xả súng cũng như chiến dịch chống khủng bố trong và ngoài nước đối với Washington vào lúc này.
Do đó, tuy lần này ông Obama không thật sự đề cập đến một sự kiện thời sự nào cụ thể, nhưng vì tính chất quan trọng mỗi khi Tổng thống Mỹ gửi thông điệp tới người dân nước mình trong Phòng Bầu dục, cũng như khi thế giới đang sôi sục trong bầu không khí chống khủng bố hiện nay, chúng tôi xin gửi tới quý vị toàn văn bài phát biểu này.
---
Xin chào các bạn. Thứ tư vừa qua, 14 người Mỹ đã bị sát hại khi đang cùng nhau tận hưởng không khí ngày lễ. Gia đình và bạn bè của họ đã vĩnh viễn mất đi người mà họ vô cùng yêu quý. Trong số họ có người da đen, người da trắng, người gốc Latin, người gốc châu Á...
Đất nước chúng ta đã đối đầu với những kẻ khủng bố kể từ khi al-Qaeda cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Mỹ ngày 11/9. Trong suốt quá trình ấy, chúng ta đã tăng cường phòng bị: từ sân bay tới các trung tâm tài chính cũng như những cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Các cơ quan tình báo và hành pháp đã đập tan hàng loạt những âm mưu khủng bố trong và ngoài nước, họ làm việc không biết mệt mỏi để chúng ta có thể được ngồi đây an toàn.
Quân đội và các quan chức chống khủng bố khác cũng ngày đêm truy đuổi những mạng lưới khủng bố nước ngoài, đột phá nơi trú ẩn của chúng ở nhiều nước khác nhau, tiêu diệt Osama bin Laden, và làm suy yếu hệ thống lãnh đạo của al-Qaeda.
Ông Obama phát biểu tại Phòng Bầu dục hôm nay (6/12 - giờ Mỹ). Ảnh: Nhà Trắng
Tuy nhiên, trong những năm qua, mối đe dọa khủng bố đã bước sang một thời kì mới. Khi chúng ta đã cải thiện được khả năng chống lại những vụ tấn công phức tạp có tính toán như 11/9, các phần tử khủng bố ngày nay lại quay về với những hành vi bạo lực đã quá quen thuộc trong xã hội chúng ta, những màn xả súng.
Đó là Fort Hood năm 2009, Chattanooga hồi đầu năm nay, và mới đây San Bernadino.
Khi những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mạnh lên giữa những hỗn loạn của chiến tranh tại Iraq và Syria, cũng như khi mạng Internet xóa đi khoảng cách giữa các nước, chúng ta đã thấy được những phương thức ngày một tinh vi mà khủng bố đã áp dụng để tẩy não những kẻ đánh bom ở Boston, cũng như hai tên sát nhân tại San Bernadino.
Trong 7 năm qua, tôi đã đối mặt với mối đe dọa ngày một gia tăng này trong mỗi buổi sáng khi nghe báo cáo tình báo, và kể từ ngày lên nắm quyền, tôi đã cho phép lực lượng quân đội Mỹ tiêu diệt mầm mống khủng bố trên toàn cầu bởi tôi biết rõ mối hiểm họa này gần chúng ta đến mức nào.
Trên cương vị Tổng tư lệnh, với tôi không có trách nhiệm nào lớn hơn việc bảo vệ an toàn cho người dân nước Mỹ.
Là người cha của hai cô con gái bé nhỏ, hai viên ngọc quý giá nhất của đời tôi, tôi biết rằng gia đình chúng tôi cũng gặp gỡ bạn bè và đồng nghiệp trong một bữa tiệc mừng ngày lễ như tại San Bernadino. Nạn nhân cũng đã có thể là chính chúng tôi. Tôi cũng nhìn thấy đâu đó hình ảnh hai cô con gái của mình trên khuôn mặt những nạn nhân trẻ tuổi thiệt mạng trong vụ khủng bố tại Paris.
Và tôi biết rằng sau bao nhiêu năm chiến đấu với vấn nạn khủng bố như vậy, có lẽ nhiều người Mỹ đang tự hỏi: phải chăng chúng ta đang đối mặt với một căn bệnh ung thư mà trong tương lai gần chưa thể tìm ra cách chữa trị?
Đáp lại, tôi muốn các bạn hiểu điều này. Mối đe dọa từ khủng bố là thật, nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Chúng ta sẽ hủy diệt IS hay bất kì tổ chức khủng bố nào đe dọa chúng ta. Thành công sẽ không đến nếu chỉ dựa vào những tuyên bố mạnh miệng, sẽ không đến nếu chúng ta từ bỏ những giá trị cốt lõi và đầu hàng trước nỗi sợ hãi.
Đó là những gì các tổ chức khủng bố như IS muốn. Thay vào đó, chúng ta sẽ chiến thắng bằng sức mạnh và trí tuệ. Bằng sự kiên cường và quyết tâm. Và bằng cách huy động mọi nguồn lực của nước Mỹ.
Cụ thể là gì?
Thứ nhất, quân đội ta sẽ tiếp tục truy đuổi những kẻ âm mưu khủng bố ở bất kì quốc gia nào.
Tại Iraq và Syria, các đợt không kích đã và đang tiêu diệt những kẻ đầu sỏ của IS, phá hủy vũ khí hạng nặng, xe chở dầu, và cơ sở hạ tầng của chúng. Kể từ vụ tấn công tại Paris, các đồng minh thân cận nhất của chúng ta, Pháp, Đức, và Anh, đã tăng cường hỗ trợ chúng ta trong việc đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt hoàn toàn IS.
Thứ hai, chúng ta sẽ tiếp tục huấn luyện và trang bị vũ khí cho hàng chục nghìn binh sĩ Iraq và Syria đang chiến đấu chống lại IS trên bộ, qua đó cướp đi nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố. Tại hai quốc gia trên, chúng ta đang điều động lực lượng đặc nhiệm, những người có thể đẩy nhanh tiến trình này.
Chúng ta đã nỗ lực hơn kể từ vụ khủng bố ở Paris, và sẽ tiếp tục đầu tư vào các mũi tấn công trên bộ.
Thứ ba, chúng ta đang hợp tác với đồng minh để chặn đứng những gì đang giúp IS vận hành, đập tan kế hoạch của chúng, cắt nguồn tài chính, và ngăn không cho chúng tuyển mộ thêm binh sĩ.
Kể từ vụ khủng bố Paris, chúng ta đã đẩy mạnh chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh châu Âu. Chúng ta đang thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đóng biên giới với Syria. Chúng ta đang hợp tác với các nước nơi Hồi giáo chiếm đa số cũng như với các cộng đồng người Hồi giáo ngay tại quê nhà, để đập tan cái tư tưởng bệnh hoạn mà IS đang lan truyền trên mạng.
Thứ tư, với sự lãnh đạo của Mỹ, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu khởi xướng một tiến trình cũng như kế hoạch đi đến ngừng bắn và phương án giải quyết trong hòa bình đối với nội chiến Syria.
Làm như vậy sẽ giúp người dân Syria cũng như các quốc gia khác, trong đó có các nước đồng minh và kể cả Nga, có thể cùng nhau tập trung vào mục tiêu chính: tiêu diệt IS, mối đe dọa của tất cả chúng ta.
Phóng viên LA Times Cathleen Decker nhận xét: "Trấn an nỗi sợ hãi của cả một quốc gia khó hơn rất nhiều so với chỉ mở miệng công kích chung tất cả cộng đồng người Hồi giáo như những gì Donald Trump đã làm.
Đó là chiến lược tiêu diệt IS mà chúng ta đã đề ra và nhận được sự đồng thuận của các tư lệnh quân đội, các chuyên gia chống khủng bố, cùng 65 quốc gia đã gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu. Chúng ta vẫn sẽ từng bước đánh giá chiến lược này, qua đó có thể đưa ra những biện pháp bổ sung cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Đó là lý do tại sao tôi đã lệnh cho Bộ An ninh Nội địa phải rà soát lại chương trình miễn thị thực cho công dân nước ngoài, đây chính là cách mà tên nữ khủng bố tại San Bernadino đã đặt được chân lên đất nước này.
Và đó cũng là lý do tại sao tôi kêu gọi các cơ quan hành pháp cũng như các chuyên gia công nghệ phải làm sao để các phần tử khủng bố không còn có thể dễ dàng lợi dụng công nghệ để lẩn trốn bên ngoài vòng pháp luật. Ngay lúc này, ngay tại đây, chúng ta phải hợp tác cùng nhau để giải quyết thách thức này.
Có những bước đi mà tôi muốn Quốc hội thực hiện ngay lập tức. Đầu tiên, Quốc hội cần đảm bảo rằng bất kì ai ở trong diện cấm xuất cảnh sẽ không được phép mua súng. Tôi không nghĩ bất kì điều gì có thể lý giải được việc cho phép vũ khí bán tự động rơi vào tay một kẻ tình nghi khủng bố. Đây là một vấn đề liên lụy đến an ninh quốc gia.
Chúng ta cũng cần phải đặt ra những luật định nghiêm ngặt hơn trong việc mua bán vũ khí tấn công hạng nặng, loại mà những tên khủng bố đã sử dụng tại San Bernadino.
Vũ khí mà hai tên khủng bố đã sử dụng trong vụ San Bernadino. Ảnh: WSJ
Tôi biết có những người sẽ phủi tay trước mọi biện pháp thắt chặt an toàn súng đạn, nhưng sự thật là các cơ quan tình báo và hành pháp của chúng ta dù có hoạt động hiệu quả đến mức nào, thì cũng không thể điểm mặt chỉ tay tất cả những phần tử có khả năng gây ra một vụ xả súng, dù tên đó có bị IS hay một tư tưởng thù hận nào khác tẩy não.
Thế nên điều chúng ta có thể làm, và phải làm, đó là khiến những tên này không thể dễ dàng thực hiện mưu đồ bắn giết của chúng.
Tiếp theo, chúng ta cần áp dụng kiểm tra lý lịch kĩ lưỡng hơn đối với những người tới Mỹ mà không có thị thực, đê qua đó có thể tìm hiểu rõ liệu họ đã từng tới các điểm nóng chiến tranh hay chưa. Hiện nay chúng tôi đang làm việc với thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội để đưa điều ý tưởng này vào thực tiễn.
Cuối cùng, nếu Quốc hội cũng có chung suy nghĩ như tôi, rằng chúng ta đang chiến đấu với IS, thì họ nên tiến tới bỏ phiếu thông qua việc tiếp tục sử dụng các biện pháp quân sự để chống lại những phần tử khủng bố này.
Trong hơn một năm, tôi đã lệnh cho quân đội thực hiện hàng nghìn đợt không kích nhắm vào các mục tiêu IS. Tôi nghĩ đã đến lúc Quốc hội bỏ phiếu để thể hiện rằng người Mỹ chúng ta đang đồng lòng và quyết tâm trong cuộc chiến này.
Thưa toàn thể công dân nước Mỹ, trên đây là những gì chúng ta có thể cùng nhau thực hiện để đập tan mối đe dọa khủng bố. Còn bây giờ, tôi xin nói vài lời về những gì chúng ta không nên làm.
Chúng ta không nên để bị hút vào một cuộc chiến trên bộ kéo dài và sẽ gây nhiều tổn thất ở Iraq và Syria. Đó chính là những gì các tổ chức khủng bố như IS mong muốn. Chúng biết chúng không thể đánh bại chúng ta trên chiến trường, vì những phần tử IS hiện nay là tàn dư của một tổ chức chúng ta đã đối mặt tại Iraq.
Nhưng chúng cũng hiểu rằng nếu quân đội chúng ta tới chiếm đóng, những phần tử này có thể kéo dài bạo động trong nhiều năm, giết hại hàng nghìn binh lính Mỹ, khiến chúng ta cạn kiệt nguồn lực, và lợi dụng sự hiện diện của chúng ta để chiêu mộ thêm binh sĩ.
Chiến lược mà chúng ta đang áp dụng lúc này, không kích, đặc nhiệm, và hợp tác với các lực lượng địa phương đang chiến đấu để giành lại lãnh thổ từ tay IS, mới là cách giúp chúng ta đi tới một chiến thắng lâu dài mà không cần phải điều động cả một thế hệ người Mỹ trong một thập kỉ tới, để rồi khiến họ phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Chúng ta cũng không thể quay lưng lại với nhau và để cuộc chiến này biến thành màn đối đầu giữa Mỹ và Hồi giáo. Đó cũng là điều mà các tổ chức khủng bố như IS muốn.
IS không đại diện cho Hồi giáo. Chúng chỉ là những kẻ sát nhân, những tên đồ tể, những kẻ tôn sùng sự chết chóc. Chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hơn 1 tỉ tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, trong đó có hàng triệu tín đồ Hồi giáo người Mỹ yêu nước, những người không công nhận tư tưởng đầy thù hận của chúng.
Hơn nữa, đại đa số nạn nhân của khủng bố trên toàn cầu cũng chính là người Hồi giáo. Nếu chúng ta muốn thành công trong việc đánh bại khủng bố, chúng ta cần hợp tác với các cộng đồng Hồi giáo, và nhìn nhận họ như những đồng minh thân cận nhất thay vì đẩy họ sang một bên vì nghi ngờ và ghét bỏ.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta đang phủ nhận sự thật rằng tư tưởng cực đoan đã lan truyền tới một vài cộng đồng Hồi giáo. Đó là một vấn đề mà người Hồi giáo phải đối mặt, không thể lấy cớ thoái thác.
Những lãnh đạo Hồi giáo tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới cần tiếp tục hợp tác với chúng tôi, để thẳng thừng gạt sang một bên những tư tưởng đầy thù hận mà IS hay al-Qaeda tuyên truyền.
Chúng ta cần không chỉ công khai lên án những hành vi bạo lực, mà còn phải lên án cả việc áp dụng những cách hiểu về Hồi giáo một cách không phù hợp với những giá trị tôn giáo, sự tôn trọng lẫn nhau, và phẩm giá con người.
Nhưng nếu như trách nhiệm của người Hồi giáo trên khắp thế giới là loại bỏ những tư tưởng dẫn đến cực đoan, thì trách nhiệm của mọi công dân Mỹ, dù thuộc tôn giáo nào, là gạt bỏ sự phân biệt đối xử.
Trách nhiệm của chúng ta là gạt bỏ ý tưởng áp dụng kiểm tra tôn giáo đối với những công dân chúng ta đón nhận.
Trách nhiệm của chúng ta là gạt bỏ những đề xuất rằng người Mỹ theo đạo Hồi cần phải được đối xử khác biệt.
Vì khi chúng ta làm như vậy, chúng ta coi như đã chấp nhận thất bại. Sự chia rẽ ấy, sự phản bội đối với chính những giá trị cốt lõi của chúng ta, đó chính là những gì IS muốn.
Người Mỹ theo đạo Hồi chính là những người bạn, là những người hàng xóm, là những đồng nghiệp, là những thần tượng trong thể thao, và cũng là những người đang mặc quân phục, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước Mỹ này. Chúng ta phải nhớ lấy điều đó.
Muhammad Wilkerson, ngôi sao bóng bầu dục của đội New York Jets, là một người Hồi giáo. Ảnh: NJ.com
Hỡi công dân nước Mỹ, tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công trong cuộc chiến này, bởi lịch sử luôn ủng hộ chúng ta.
Đất nước này đã được dựng lên dựa trên lòng tin vào phẩm giá con người, rằng dù bạn là ai, dù bạn đến từ đâu, dù ngoại hình bạn như thế nào hay bạn theo tôn giáo gì, thì trong mắt Chúa cũng như trên cán cân công lý, tất cả đều bình đẳng.
Kể cả trong mùa tranh cử hiện nay, kể cả khi chúng ta đang tranh luận những phương pháp tôi hay những người kế nhiệm phải làm để bảo vệ đất nước này, thì chúng ta cũng không bao giờ được quên những giá trị đã tạo nên sự vĩ đại của nước Mỹ.
Đừng bao giờ quên sự tự do luôn mạnh hơn nỗi sợ hãi. Đừng bao giờ quên rằng chúng ta đã từng đối mặt với bao thách thức, dù là chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế, dù là thiên tai hay khủng bố, và đều vượt qua bởi chúng ta xích lại gần nhau dựa trên những giá trị chung của một dân tộc.
Chừng nào chúng ta còn giữ vững được truyền thống ấy, tôi tin nước Mỹ sẽ giành chiến thắng. Xin cảm ơn. Cầu Chúa phù hộ tất cả các bạn. Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ.
theo Trí Thức Trẻ
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét