(Chính trị) - Sự quan tâm của người dân đến chính sách của Đảng, đại hội của Đảng là có thật và biểu hiện ra hết sức “chân thật” của cuộc sống đời thường.
2015 mang đậm dấu ấn là năm chuẩn bị Đại hội 12 với nội dung chuẩn bị chủ yếu về chính sách và nhân sự. Chính sách của Đảng, nhưng vì là đảng cầm quyền nên chính sách đó sẽ thông qua nhà nước tác động đến cả xã hội.
Là bệnh nhân của bệnh viện công lập không biết phải nộp thêm tiền so với trước đây hay giảm đi với cái gọi là giá dịch vụ y tế, là hộ nghèo thì mấy năm tới sẽ được hưởng các ưu đãi gì từ nhà nước, là hộ nông dân làm ăn tốt liệu có khả năng mở rộng, tăng quy mô ruộng đất canh tác hay không, là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ được hưởng chính sách hỗ trợ ra sao… Những vấn đề hết sức cụ thể của cuộc sống liên quan chặt chẽ tới chính sách của Đảng.
Sự quan tâm của người dân đến chính sách của Đảng, đại hội của Đảng là có thật và biểu hiện ra hết sức “chân thật” của cuộc sống đời thường: lượng hóa ra cái mà chính sách tới sẽ mang lại cho mình như thế nào về mặt lợi ích.
Lợi ích mà không tăng thêm, hoặc giảm đi thì khó có đồng thuận xã hội, càng không có sự thống nhất giữa lợi ích của đảng cầm quyền với lợi ích của dân chúng.
Chính sách đúng, phù hợp với cuộc sống thì tác động tốt tới xã hội, ngược lại, chính sách sai sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại…
Từ góc độ này mà xét mới thấy gánh nặng và trách nhiệm của đảng cầm quyền, nhất là ở nước ta trong điều kiện hệ thống chính trị một đảng duy nhất cầm quyền: chính sách chỉ duy nhất do một đảng hoạch định, mặc dù trong quá trình hoạch định có sự tham gia của các giai tầng xã hội.
30 năm đổi mới minh chứng cho tính đúng đắn trong nhiều chính sách của Đảng, trước hết là chính sách kinh tế.
Không thể không thấy rõ những kết quả tích cực của chính sách trong cuộc sống của người dân. Diện mạo của đất nước đã khác, đời sống người dân đã khác, không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ những chính sách chưa phù hợp và rút ra bài học trong quá trình ban hành những chính sách đó, nhất là cho việc hoạch định chính sách của Đảng tại Đại hội 12.
Những vấn đề có thể rút ra là:
-Những loại chính sách nào thì cần hoạch định? Chính sách của Đảng sẽ thông qua nhà nước trở thành pháp luật và lúc đó mới thực sự đi vào cuộc sống. Nhà nước trong kinh tế thị trường không phải cái gì cũng can thiệp, cũng thò bàn tay của mình vào tác động.
Vấn đề quan trọng chính là đưa ra những loại chính sách nào buộc phải có, loại nào thì thôi.
– Giảm tối đa thời gian ra một chính sách mới. Tính từ 1986 đến 2016 vừa tròn 30 năm với 7 lần đại hội Đảng, mỗi đại hội đều thể hiện cái mới trong chính sách, nhưng thời gian đợi ra được cái mới cơ bản quá lâu.
Từ chỗ thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân đến xác định rõ phải xây dựng nền kinh tế thị trường là một khoảng thời gian dài và đến bây giờ mới khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế.
Tương tự là những vấn đề có tính chính sách trong tổ chức nhà nước: quá lâu mới khẳng định có 3 quyền là quyền lập pháp, quyền tư pháp và quyền hành pháp, quá lâu mới đi đến có sự “kiểm soát” lẫn nhau giữa 3 quyền này trong triển khai…
Hệ quả đương nhiên là tác động tích cực của những vấn đề chính sách này sẽ chậm và dưới góc độ phát triển của quốc gia là không tốt.- Không quyết ngay những chính sách mà về mặt nhận thức chưa đủ rõ.
Chuyển sang kinh tế thị trường, cho dù đã được một số năm, nhưng chúng ta vẫn còn đang trong quá trình học hỏi để làm. Còn rất nhiều vấn đề chưa hiểu thấu đáo, nếu vội vã ra quyết sách sẽ không phù hợp.
Đưa yếu tố thị trường vào hành chính nhà nước là một ví dụ. Nhà nước Việt Nam ta cũng giống như các nhà nước trên thế giới cung cấp dịch vụ công cho người dân, xã hội.
Cái người dân thụ hưởng, cảm nhận sự quan tâm, chăm lo từ phía nhà nước là thông qua các dịch vụ công mà nhà nước cam kết cung cấp, đặc biệt là trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế.
Với kinh tế thị trường thì vai trò của nhà nước làm cái này đến đâu, cái gọi là xã hội hóa dịch vụ công nên hiểu như thế nào và gắn với nó là câu chuyện giá dịch vụ công theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí và liệu có gắn với cái gọi là yếu tố kiếm lợi nhuận trong cung cấp dịch vụ công về giáo dục và y tế?
Chính sách đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công phải chăng là sau này nhà nước hạn chế, thu hẹp lại các loại dịch vụ công mình đang cung cấp, thay vào đó là dịch vụ tư, là cung cấp dịch vụ công theo hướng có lợi nhuận cho cơ quan, đơn vị nhà nước làm cái này…
Người dân trông đợi một chính sách rõ về vấn đề này.
– Bớt đi tính khẩu hiệu, “định tính” trong chính sách và điều đó đương nhiên dẫn đến yêu cầu về tính cụ thể, tính “định lượng” của chính sách.
Không nên cài đặt “mong muốn” vào chính sách theo kiểu: giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động; tạo điều kiện để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội…
Nên cân nhắc hạn chế tối đa sử dụng cách hoạch định chính sách theo kiểu như tiếp tục, tăng cường, bảo đảm, nỗ lực, không ngừng, chăm lo…
(Theo Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét