Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Bài 3: “Thế lực thù địch là ai” mà "nặng đòn" trong Dự thảo Báo cáo chính trị ĐH Đảng XII?

Phạm Viết Đào.

Bài liên quan:
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII ( DTBCCTĐH XII ) chúng ta thấy  có tới 6 lần nhắc tới: vấn đề phức tạp do tranh chấp trên Biển Đông, DTBCCTĐH XII không viết đích danh Trung Quốc; trong khi đó trong DTBCCTĐH XII có tới 13 lần nhắc tới việc chống các thế lực thù địch, tự diễn biến và diễn biến hoà bình…
Nếu kiểm đếm chữ thì phần viết về việc chống các thế lực thù địch có số lượng chữ trên 1200 chữ; trong khi đó đề cập tới các tranh chấp trên Biển Đông chỉ trên dưới 500 chữ trong DTBCCTĐH XII dài 15 chương;
Về các cụm từ khi đề cập tới Biển Đông do bởi Trung Quốc chủ trương gây hấn thì DTBCCTĐH XII sử dụng nhiều những cụm từ trung tính kiểu như: “Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp”…
Về bản chất, vấn đề biển đảo không có chỗ tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc có vùng biển chồng lấn đó là Vịnh Bắc Bộ hai nước đã phân định xong bằng một hiệp định thống nhất chia đôi Vịnh Bắc Bộ. Còn vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 thì thuộc chủ quyền của Việt Nam; Hiện Trung Quốc cho quân đội vào xâm chiếm Hoàng Sa 1974 và một số đảo tại vùng biển Trường Sa là hành động Trái công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982…
Vấn đề này rõ như ban ngày ai cũng thấy hiểu, tại sao DTBCCTĐH XII lại viết “ tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông” chung chung như vậy; DTBCCTĐH XII viết như vậy tức vô tình công nhận sự ngang vai giữa kẻ vi phạm và người không vi phạm; Trung Quốc là người đi tranh phần lãnh hải của Việt Nam chứ Việt Nam không tranh lãnh hải của Trung Quốc …
Hiện tại, tranh chấp chủ quyền biển đảo chỉ phức tạp trong quan hệ giữa Việt Nam-Philippines, Việt Nam-Malaixia, Việt Nam-Inđonezia và một vài nước khác vì chưa đạt được thoả thuận về những vùng biển chồng lấn…
Khi đề cập về vấn đề Biển Đông, DTBCCTĐH XII cần viết tách ra 2 mối quan hệ: quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc riêng và quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khối ASEAN có chung Biển Đông…
Trong khi Dự thảo viết về Biển Đông sử dụng những cụm từ trung tính, mập mờ thiếu chuẩn xác thì những chương, những chỗ đề cập tới các thế lực thù địch lại được DTBCCTĐH XII viết bằng một văn phong khác, với thái độ hết sức quyết liệt sặc mùi “ sát thát”-( khẩu hiệu chống quân Nguyên thới Trần đồng nghĩa với “giết sạch”…); Điều này thể hiện qua việc sử dụng các cụm từ: chống, tích cực đấu tranh, phản bác, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm, làm thất bại…Đó là những cụm từ hoàn toàn không thấy bóng dáng khi đề cập tới các quan hệ song phương Trung-Việt; thậm chi thỉnh thoảng mối quan hệ này còn được trang sức bằng những cụm từ nhục nhã do ai đó do ngu tín đã nhập khẩu về: 4 tốt, 16 chữ vàng…
Trong DTBCCTĐH XII mặc dù tới 13 lần nhắc tới thế lực thù địch, thế lực tự diễn biến và diễn biến hoà bình nhưng không có đoạn nào viết cụ thể thế lực này là ai, ở đâu, hành vi của các thế lực này là gì; đằng sau thế lực này là những ai ?
Nếu DTBCCTĐH XII không giải thích, làm rõ thì thế giới sẽ hiểu Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị không ủng hộ “tự diễn biến”, “diễn biến hoà bình”-một quy luật tất yếu của tự nhiên-xã hội; Điều này phép duy vật biện chứng đã chứng minh; Đảng CS là đảng chính trị tôn thờ “phép duy vật biện chứng” nhưng lại  chủ trương tạo ra các “diễn biến không hoà bình”, ủng hộ “ xuất, nhập khẩu cách mạng”…
Nếu không làm rõ khái niệm này trong DTBCCTĐH XII thì nó rất dễ trở thành lưỡi gươm Damocles treo lên đầu những người đang đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, những quyền được ghi trong hiến pháp; Những quyền này ngay trong DTBCCTĐH XII cũng đã nhiều chỗ nhắc tới là đang bị vi phạm:” Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức…”
Chính Chủ tịch Quốc Nguyễn Sinh Hùng từng phát biểu “Không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được"…
DTBCCTĐH XII cần phải có mục định nghĩa rõ thế nào là, lực lượng nào, hành vi thế nào thì sẽ bị coi là “ thế lực thù địch” là “ tự diễn biến” , “ diễn biến hoà bình “ đối kháng với Đảng…Còn DTBCCTĐH XII viết chung chung như vậy là vô cùng nguy hiểm?
Trong khi đó những kẻ thù cũ của Việt Nam như Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Oxtraylia, Thái Lan bây giờ gần như trở thành bạn đồng minh, đối tác chiến lược của Việt Nam?
Hay cái thế lực thù địch, cái thế lực đang tìm cách gây tự diễn biến, hay diễn biến hoà bình ấy là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ và một số người đang bị bỏ tù vì viết blog, tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc…
DTBCCTĐH XII cần phải vạch mặt chỉ tên thế lực này để những người dân nhẹ dạ cả tin, những đảng viên lập trường chưa vững vàng không bị thế lực này kích động, dụ dỗ, xúi bẩy…
Trong DTBCCTĐH XII:” Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch…”
( Mục:Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ;2- Phương hướng, nhiệm vụ;XV- XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG...)
Liệu những quy định của đoạn viết trên trong khi DTBCCTĐH XII có sẽ được sử dụng như một thứ “vòng kim cô” để vô hiệu cho sau đây :
"... Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội..."
Trích Chương XII- PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC; Phần 2- Phương hướng, nhiệm vụ...)
"Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội;
(( Trích chương XIII- PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN; mục 2- Phương hướng, nhiệm vụ...)
Làm sao những ý kiến phản biện, góp ý không bị quy chụp cho cái mũ, cái tội tuyên truyền chống nhà nước ( Điều 88-Bộ Luật Hình sự) và tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…( Điều 258)…
Vì bản chất của hành vi phản biện là lật lại, tức là nói ngược lại một điều gì đó, một chủ trương nào đó, một quyết sách nào đó mà người dân thấy có vấn đề có thể lật lại lại bị cho là:” phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước…”
Thế thì ai dám phản biện hay đây là cái bẫy giống như cái bẫy " trăm hoa đua nở" mà Mao cài đặt để tiêu diệt những kẻ trái ý mình ?
Trong khi DTBCCTĐH XII né tránh chưa chỉ thẳng Trung Quốc đang xâm lấn không chỉ Biển Đông; Chưa dám viết thẳng Trung Quốc đang tác động gây diễn biến bằng kinh tế và văn hoá và cả bằng thủ đoạn chính trị nham hiểm để khôi phục lại một ngàn năm bắc thuốc trên mảnh đất Việt Nam…
Nạn phim Tàu và văn hoá phẩm Trung Quốc tràn lan khiến cho trẻ em Việt thuộc sử tàu hơn sử ta, chán sử ta; rồi hàng hoá kém chất lượng đang tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm; rồi xuất hiện những thương gia vào mua tranh bán cướp lũng đoạn thị trường Việt Nam; đã xuất hiện những làng người Hoa, phố người Hoa len lỏi tại nhiều địa bàn chiếc lược quan trọng nhưng không thấy dự thảo báo cáo đề cập đến;
Vậy cái thế lực thù địch tự diễn biến hoà bình ấy có mối liên hệ gì, họ đã gây ra hoặc dẫn đến những hệ luỵ như DTBCCTĐH XII đã nêu dưới đây:
“Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội chậm được khắc phục. Quản lý tài nguyên, môi trường còn bất cập. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm. Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập. Hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động, hiệu quả chưa cao.”
Nếu họ không là tác nhân gây ra những hậu quả trên, cản trở những việc làm trên của Đảng mà, đó chính là những yếu kém mà Đảng cần tập  trung trí tuệ, sức để khắc phục, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển; Nếu thế lực này không liên quan những cái cốt yếu, cốt tử cần phải sửa chữa, khắc phục thì tại sao trong DTBCCTĐH XII lại kết tội họ là thế lực thù địch ghê gớm như vậy; đánh giá, coi họ nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa hành trướng bá quyền Đại Hán; là thế lực mà một người dân bình thường từ đứa trẻ cũng nhận ra ?!
Tóm lại: Nếu trong DTBCCTĐH XII không giải thích rõ khái niệm: Thế lực thù địch; thế lực gây ra tự diễn biến và diễn biến hoà bình; không sử dụng ngôn từ tương thích và liều lượng thích hợp thì sẽ gây cho người đọc hiểu: DTBCCTĐH XII  đánh giá Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Tạ Phong Tần...nguy hiểm hơn cả Trung Quốc ?!
P.V.Đ.
( Còn nữa...)

Không có nhận xét nào: