Mỗi ngày, người làng đánh bắt được cá Hồ Tây thường ăn từ 5-7 con. Cá sạch, không bệnh tật nên người làng sống rất thọ, ít cũng là 86 tuổi, còn bình thường phải ngoài 90 tuổi.
Từng có nhiều “thuỷ quái” trên Hồ Tây
Dù là ngày mưa hay ngày nắng, dù là mùa nóng hay mùa lạnh thì Hồ Tây (Hà Nội) cũng đầy cuốn hút với người yêu Hà Nội. Có những người đi xa nhớ về, có những người phương xa muốn đến một lần, cho thoả khát khao. Và, sau mỗi lần như thế, trong tim mỗi người lại thêm những cảm xúc tinyêu với cuộc đời nhờ một Hồ Tây lộng gió, mênh mang những điều kỳ bí, khó lý giải.
Thật không phải quá khi nói rằng, Hồ Tây là một trong những nét đẹp đặc trưng của Hà Nội. Dưới lòng Hồ Tây xưa và nay vẫn luôn là một thế giớiđầy bí ẩn không dễ lý giải. Ai đó đã nói rằng, kích thích sự tò mò của con người đã là một điều tuyệt vời.
Trong căn nhà nhỏ ngay sát đường ven Hồ Tây thuộc phố Từ Hoa, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Diệp, một người gốc làng cổ Nghi Tàm, gia đình có 18 đời sống ở đây đã dành thời gian cho một người trẻ như tôi, quả là may mắn. Tôi thấy may mắn, là bởi ông hiểu và yêu Hồ Tây tưởng chừng như vô tận, như thể Hồ Tây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông vậy.
Tuổi 78, những trải nghiệm gần một đời người của ông đã khiến tôi dễ hình dung hơn về Hồ Tây với một mạch thông suốt từ lúc hình thành hoang sơ là nhánh của con sông Hồng đỏ nặng phù sa cho đến khi thành biểu trưng của Hà Nội yêu kiều như ngày hôm nay với những bánh tôm, kem tươi, phủ, chùa, đình…
Xưa, các vị có chức sắc thường đi thuyền ra Hồ Tây đánh cá. Cá tự nhiên đánh bắt được cũng chừng 38-40kg, nhiều con nặng hơn nữa và loại 20-30kg thì nhiều vô kể. Đến bây giờ, thi thoảng các cần thủ cũng vẫn có thể đánh bắt được cá to mấy chục kilôgam nhưng số lượng cá “khủng” mà nhiều người hài hước vẫn gọi là “thuỷ quái Hồ Tây” như thế không còn nhiều.
Nhiều người vẫn thường xuyên ra Hồ Tây câu cá như một thú vui của riêng mình.
|
“Trước đây, cá tự nhiên ở Hồ Tây to lắm, chúng sống giáp bùn nên rất khôn và rúc cũng rất giỏi”, ông Diệp hào hứng kể.
Cũng theo ông Diệp nói: “Vì đánh bắt được nhiều cá nên người dân ở đây thường chọn những con cá chừng 3-4 lạng, mỗi ngày ăn ít nhất 5-7 con. Cá Hồ Tây sạch, nuôi tự nhiên, không những thơm ngon mà chất lượng được đảm bảo. Cá chuẩn, cá ngon, khỏe lại không bệnh tật. Người làng có thói quen ăn nhiều cá như vậy cho nên sống rất thọ. Thường thường, các cụ “về” với tổ tiên trẻ nhất cũng phải 86 tuổi, còn không thì phải 93 – 94 tuổi mới hết duyên trần”.
Bắt cá phải tĩnh trí như đánh trận
Với hơn 20 năm làm thủ từ đình Nghi Tàm, quản lý di tích, vừa là Trưởng ban mặt trận, Phó chủ tịch hội Người cao tuổi ở làng, nên ông Diệp rất bận rộn với nhiều công việc. Tuy vậy, Hồ Tây trong ông vẫn là một tình yêu khó diễn tả bằng ngôn từ và chỉ cần có thời gian rảnh rỗi, có người muốn nghe chuyện về Hồ Tây là ông lại sống với những ký ức của riêng mình.
Ông vẫn nhớ, những năm 1950-1960, khi làng Nghi Tàm còn nguyên địa hình một bán đảo và chỉ có một cổng duy nhất đi vào thì kẻ trộm thậm chí phải “chừa mặt” ngôi làng này ra vì không có đường thoát thân nếu ăn cắp đồ của người trong làng mà chẳng may bị phát hiện.
Một thời, ông cũng từng ngụp lặn dưới đáy Hồ Tây, thông tỏ Hồ Tây đến từng gợn sóng. Ông bảo, đánh cá phải cần rất nhiều dụng cụ, mỗi loại cá là một dụng cụ khác nhau.
Thậm chí, ông cũng từng bắt ba ba bằng cách đào hố sâu chừng 40-50cm chờ sẵn. Vào mùa mưa rào cũng chính là mùa ba ba đẻ trứng, cứ theo dõithời tiết và mặt nước hồ là người ta biết ba ba lên đẻ trứng khi nào. Đặc tính của ba ba thường tìm nơi khô ráo, không bao giờ đẻ dưới nước. Do đó, nó thường bò lên bờ rồi bò xuống các hố “bẫy” và không thể nào leo lên được nữa.
Khi bắt cá to giáp bùn thì sẽ phải dùng những chiếc cụp, có những chiếc cụp to bằng nửa cái sân vuông hàng chục mét. Người ta dùng dây buộc cho cái cụp dơ cao lên. Khi nào thấy cá vào chạm dây, cụp sập xuống là bắt được cá dễ dàng.
Với cá trắm, đánh bắt dễ nhất là dùng chiếc lờ mua ở chợ Bưởi và dùng ốc chết để bẫy thì rất hiệu quả.
Dưới lòng Hồ Tây ẩn chứa nhiều điều bí ẩn khó lý giải.
|
“Với cá đẻ, có thể làm những ô tròn như cái bàn rồi cho bèo tây vào. Cá sẽ tự tìm đến. Khi cá vào bụi bèo tây cần làm sao không tạo tiếng động và tinh thần phải tĩnh tâm tĩnh trí như kiểu chiến sỹ quân đội vào trận địa. Từ từ hạ chiếc vợt xuống tận bùn rồi nhấc thật mạnh lên để hớt cá, nếu thấy động nó chạy xuống là không bao giờ bắt được nữa”, ông Diệp hào hứng nói.
“Tôi từng đánh bắt cá như thế nhiều năm nhưng sau này có tuổi thì không làm được nữa vì với những cách làm này, nó khiến tay đau ê ẩm nếu gặp cá to. Tuy vậy, tôi vẫn thấy được niềm vui riêng từ những công việc thầm lặng này”, ông Diệp kể tiếp.
Cũng theo ông Diệp thì không những cá mà ngay cả tôm Hồ Tây cũng có những đặc trưng rất riêng. Thịt tôm ngon ngọt, săn chắc, ăn đậm vị, giòn, dai. Nó chỉ to chừng như ngón tay cái nhưng thịt tôm đậm đặc đến mức khi rang lên rất vàng và ăn nghe cả tiếng giòn tan trong miệng. Đó cũng là điều làm nên thương hiệu bánh tôm Hồ Tây nổi tiếng bao năm nay.
Những ký ức về Hồ Tây của người đã một đời gắn bó máu thịt một lần nữa tiếp thêm trong tâm trí tôi những tò mò, mê đắm với lòng hồ vốn dĩ đã đủ đầy bí ẩn. Chiều đông, Hồ Tây bảng lảng từng lớp sương mỏng mảnh giăng mờ cảnh vật. Từng đàn cá, tôm dường như vẫn cứ thoải mái vùng vẫy…!
Mời độc giả đón đọc tiếp Bài 7: “Bí kíp bẫy sâm cầm Hồ Tây tiến vua, chỉ người Hà Nội làm được".
Xem thêm các bài viết cùng sự kiện Thuỷ quái Hồ Tây >>>
Dương Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét