Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Blogger Phạm Viết Đào trả lời phỏng vấn Đài BBC tháng 2/2012 về việc cần thiết đổi tên Đảng


Thứ Tư, ngày 29 tháng 2 năm 2012

Nhà văn đảng viên Phạm Viết Đào đề nghị Đảng lấy lại tên 'Lao Động'


Đôi lời phi lộ: Bài trả lời phỏng vấn Đài BBC được thực hiện trước khi Phạm Viết Đào về hưu 1 tháng ( PVĐ nhận số hưu 5/2012); Sau loạt bài góp ý cho Nghị quyết TW 4 và sau bài trả lời phỏng vấn Đài BBC này, Phạm Viết Đào đã bị Đảng bộ Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch yêu cầu làm kiểm điểm...
Trong bản kiểm điểm của mình, tôi vẫn cho rằng tôi không vi phạm 19 điều đảng viên không được làm; Vì là đảng viên, chấp hành kỷ luật Đang và nguyên tắc tổ chức của Đảng, tôi đã hạ loạt bài góp ý Nghị quyết TW 4 trên blog cá nhân kỷ luật phê bình trước đảng bộ-hình thức khởi điểm ký luật đảng; nhưng tôi đã đề nghị được bảo lưu ý kiến của mình như Điều lệ Đảng quy định: Đảng viên có quyền bảo lưu ý kiến phản biện của mình...
13/6/2013 tôi bị công an Hà Nội bắt và tháng 7/2013 tôi đã bị Quận ủy quận Tây Hồ Hà Nội ra quyết định đình chỉ sinh hoat Đảng...

Mời quý vị xem lại bài viết góp ý phản biện trên blog của tôi hiện không còn nhưng đang được blog Trần Kỳ Trung lưu giữ giúp phần 1; Xin cảm ơn nhà văn Trần Kỳ Trung...
Tôi nhớ bài góp ý, phản biện có 3 phần; phần 2 và 3 hiện chưa tìm thấy...Blogger nào còn giữ PVD đề nghị cho xin lại:

Xem thêm:


Nhà văn đảng viên Phạm Viết Đào đề nghị Đảng lấy lại tên 'Lao Động'


Dùng thông tin để điều chỉnh Đảng'

BBC cập nhật: 05:20 GMT - thứ tư, 29 tháng 2, 2012


Ông Phạm Viết Đào cho rằng dân chủ hóa về thông tin là bước đi khả dĩ hiện nay
Một nhà văn đảng viên cộng sản đề nghị đảng trở lại tên Lao Động như một cách thuyết phục người dân về cố gắng chỉnh đốn nội bộ.
Ông Phạm Viết Đào, được biết đến qua Bấmmột trang blog cá nhân, nói chuyện với BBC trong khi đang diễn ra hội nghị chỉnh đốn Đảng ở Hà Nội.
Ông cũng cho rằng bước đi "thiết thực" hiện nay là dân chủ hóa về thông tin, cho phép sự tồn tại chính thức của báo chí tư nhân.
Phạm Viết Đào: Chỉnh đốn Đảng rất cần thiết hiện nay. Nhưng trong dư luận nhân dân, người ta cảm thấy việc đó khó lòng đạt được hiệu quả mong muốn.


Nếu đã chỉnh đốn, phải có biện pháp mạnh hơn, phải dùng luật pháp, chứ nếu chỉ động viên nhau thì...
Trong lịch sử, có thời Cụ Hồ mỗi sáng mời các ông "có vấn đề" đến cùng ăn phở để cụ khuyên răn. Ông Tố Hữu kể tôi nghe chuyện này. Cụ Hồ uy tín rất lớn và tốn rất nhiều phở để mời các ông "có vấn đề". Thời ấy kỷ cương còn nghiêm mà xem chừng cũng không có hiệu quả cao. Bây giờ phát động tự phê, thì cũng ủng hộ thôi. Nhưng nếu không tiến thêm bước mạnh hơn nữa, chắc khó đạt hiệu quả mong muốn.
BBC:Báo trong nước vừa qua đăng nhiều bài nói về việc lấy lại lòng tin của dân. Phải chăng lòng tin của người dân đã có phần lung lay?
Lòng tin của nhân dân lung lay nhiều rồi. Báo chí công khai đã nói, các ông trên cũng nhận thấy. Nhưng nếu chỉ kêu gọi thì đó là duy ý chí.
Đảng lại trở thành Nhà thờ, Nhà chùa, cứ đến đấy tu niệm rồi cải tà quy chính? Bây giờ đảng viên liên quan quyền lực, quyền lợi. Lại muốn dùng Kinh thánh thức tỉnh họ, thật khó.
BBC:Vậy hội nghị lần này có như nhiều người nói là chỉ hình thức và không hiệu quả, thưa ông?
Tôi không nghĩ là hình thức. Thực tâm các vị lãnh đạo cũng sốt ruột. Nhưng họ làm thế nào, đấy là vấn đề.
Trong nội bộ cấp cao, tôi nghĩ cũng nhiều vị có tấm lòng, tâm huyết. Nhưng họ có vượt qua được sức ỳ không? Nội bộ Đảng bây giờ cũng nhiều khuynh hướng. Vậy khuynh hướng tiến bộ có trở thành tiếng nói áp đảo không?
BBC:Có ý kiến cho rằng thay vì tự chỉnh đốn, Đảng nên chấp nhận dân chủ hóa. Ông nghĩ thế nào?
Khó trăm lần, dân liệu cũng xong, vậy phải dựa vào dân. Chừng mực nào đó phải để dân phát biểu và nghe dân. Không nên xem phản ứng của dân là của thế lực thù địch và dùng biện pháp cảnh sát quá mạnh.
Trong một hội thảo gần đây, tôi nói cần nới rộng biên độ thông tin. Hiện nay gần như thông tin một chiều. Dân chủ hóa trước hết phải là dân chủ hóa thông tin, thiết thực nhất trong bối cảnh hiện nay.
"Dùng công luận, dùng thông tin để điều chỉnh Đảng cũng là cách văn minh và đỡ xương máu nhất. Hiện nay luật pháp chưa cho phép. Các trang tin, blog vẫn nấp dưới danh nghĩa cá nhân. "
Rất cần những trang mạng tư nhân. Các trang web tư nhân hiện nay đều nấp dưới danh hiệu các blog. Mà blog đều như các tờ báo chiến đấu cho tiến bộ xã hội. Vụ Hải Phòng vừa rồi, nếu không có thế giới mạng, thì sẽ còn tồi tệ đến mức nào?
Dùng công luận, dùng thông tin để điều chỉnh Đảng cũng là cách văn minh và đỡ xương máu nhất. Hiện nay luật pháp chưa cho phép. Các trang tin, blog vẫn nấp dưới danh nghĩa cá nhân. Nhưng thực ra mục tiêu của họ giống tôn chỉ các báo chính trị, chứ không còn là blog cá nhân nữa. Nhưng nó không được công khai, nên rất khó phát triển. Làm thì đến lúc cũng mỏi mòn vì không có động viên nào về mặt vật chất cả. Kỹ thuật thì rất nhom nhem.
Nếu Đảng thật sự muốn dân tham gia, thì phải cho dân tham gia trước tiên là lĩnh vực thông tin. Hiện nay xuất bản đã là tư nhân rồi, thì các trang báo tư nhân phải được công khai đi để họ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
BBC:Ông có nghĩ Đảng đã suy thoái đến mức Đảng không chấp nhận nhân dân và dân cũng không chấp nhận Đảng?
Chưa đến nỗi như thế. Nước nào cũng cần một lực lượng lãnh đạo, tức là một đảng chính trị. Chứ bây giờ sụp đổ hoàn toàn, trí thức cũng không muốn dẫn đến ba bè bảy mối, nội chiến. Người dân chịu khổ chứ người có chức có tiền họ chạy ra nước ngoài, con cháu họ có chết đâu.
"Đổi tên khác thì khó, chứ trở lại tên Lao Động chả có gì sai. Chứ để tên Cộng sản, bản thân tôi là đảng viên cũng thấy không hợp giữa khẩu khí của thế giới hiện nay."
Những người có trách nhiệm cũng thấy Đảng cần phải thay đổi. Phải làm gì để có thay đổi, chứ đánh sập nó đi để có mô hình mới lại chưa biết thế nào.
Dân hiện nay thấy Đảng nhiều cái quá trớn. Nhưng cũng có những người có trách nhiệm thấy cần phải thay đổi.
Tôi cho rằng Đảng trước nhất cần thay đổi tên. Chứ bây giờ nói Đảng Cộng sản thì khó vào lòng dân chúng. Trong quá khứ Đảng rất nhiều công lao, nhưng khi ấy Đảng đứng tên đảng Lao Động đấy chứ.
Bây giờ có thể trở lại tên đảng Lao Động cũng được. Đổi tên khác thì khó, chứ trở lại tên Lao Động chả có gì sai. Chứ để tên Cộng sản, bản thân tôi là đảng viên cũng thấy không hợp giữa khẩu khí của thế giới hiện nay. Bước thứ hai là trở lại Hiến pháp 1946.
Đòi hỏi tách quân đội, công an ra khỏi Đảng, rất khó. Nhưng thiết thực nhất bây giờ là trở lại mô hình đảng Lao Động. Nếu góp ý cho Đảng, tôi sẽ góp ý như thế.
--------------------------------


VẪN DUY Ý  VÀ DUY TÂM CHỦ QUAN TRONG CÁC GIẢI PHÁP CHỈNH ĐỐN ĐẢNG - Tác giả: PHẠM VIẾT ĐÀO

 Lớn | Vừa | Nhỏ  
[Không rõ 29/02/2012 07:30 | by kytrung ]

Đây là bài viết tôi đọc thấy rất hay, chỉ rõ căn nguyên vì sao uy tín của Đảng lại xuống thấp như hiện nay, chỉ ra cách khắc phục. Không một thế lực nào có thể phá Đảng, nếu như Đảng được lòng dân, được dân ủng hộ. Cũng không ai phá Đảng bằng chính những Đảng viên có chức ,có quyền nhân danh " Đảng" để trục lợi cá nhân, tham nhũng, cướp đất của dân.
              Dân là " THẦN" là " THÁNH" phải thờ phụng, phục vụ thành tâm may ra mới an toàn tính mạng và thanh thản tâm hồn.
              Xin phép tác giả PHẠM VIẾT ĐÀO cho trankytrung.com đăng lại bài này.
------------------------------------------------------

VẪN DUY Ý CHÍ VÀ DUY TÂM CHỦ QUAN TRONG CÁC GIẢI PHÁP CHỈNH ĐỐN ĐẢNG ? ( Phần 1 )



Phạm Viết Đào.

Phần 1: Đảng muốn chỉnh đốn nhưng lại phờ lờ vai trò, nguồn sinh lực từ nhân dân ?

Nghiên cứu những ý kiến phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thấy ông quán triệt 4 nội dung, trong đó có 2 nội dung quan trọng của hội nghị lần này:
- “Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc, đúc rút qua quá trình hơn 80 năm hoạt động của Đảng. Càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng; đây là nhân tố đảm bảo thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Thứ tư, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá điên cuồng sự nghiệp đổi mới của đất nước ta nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình trên, Đảng ta luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.”
Như vậy là TBT coi nhiệm vụ chống các thế lực thù địch là "then chốt ", là một trong 4 nội dung quan trọng trong Nghị quyết chính đốn Đảng lần này; các thế lực thù địch siêu hình vẫn tiếp tục được coi là đang thách thức sự tồn tại cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng ?
Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách: Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.” 
Và nhóm 4 giải pháp: (1)Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tinh thần toát lên trong các nhóm giải pháp đó là: Xác định những việc cần làm, có thể làm ngay và những việc cần có thời gian chuẩn bị, nhất là về vấn đề xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, hiệu quả.”
Trong các nội dung trên không có dòng nào, câu nào đề cập tới vai trò của nhân dân trong việc góp phần chỉnh đốn Đảng; Muốn chỉnh đốn được Đảng phải dựa vào dân, tin dân, phải nghe dân; Có nghe dân, Đảng gần dân, hiểu được dân vì “chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” thì Đảng mới củng cố, mới đẩy lùi được suy thoái để mà tồn tại và phát triển ? Câu châm ngôn thời chống Mỹ: Khó vạn lần dân liệu cũng xong…trở thành câu nằm lòng của cả một dân tộc trong một giai đoạn cam go nhưng trong Hội nghị trung ương chỉnh đốn Đảng lại phớt lờ nguồn sức mạnh vĩ đại này ? Đảng có được ngày hôm nay là do trước đây từng dựa vào nhân dân, xương máu của nhân dân bao thế hệ thế mà giờ đây Hội nghị này, trong 4 nội dung và lại phớt lờ vai trò của nhân dân thì làm sao Đảng vững mạnh được, chỉnh đốn được. Khi một Ban chấp hành Trung ương coi thường dân như vậy, phớt lờ dân như vậy và mọi sai trái, suy thoái lại đổ cho thế lực thù địch thì nghe có thấu tình đạt lý không ?

Khi ra đời, Đảng hoàn toàn dựa vào nhân dân: nhân dân nuôi dưỡng, chở che; Để giành chính quyền về tay mình, Đảng cũng phải sử dụng sức mạnh bạo lực của toàn dân: Cuộc cách mạng tháng 8 giành được chính  quyền là do sức mạnh bạo lực của toàn dân vì năm 1945, cả nước chỉ có 5000 đảng viên ?! Rồi 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nếu không có xương máu của nhân dân, tiền của của nhân dân liệu một mình tổ chức Đảng cùng với các vị đảng viên có gánh vác nổi không ?
Những việc làm làm tai ngược, tai hại mất uy tín của Đảng như Tham ô, cửa quyền, áp bức dân chúng quá đáng như vụ Vinashin, như PMU 18, như Tiên Lãng đều do cán bộ Đảng gây ra chứ không do một thế lực thù địch nào gây ra cả…Người dân mất lòng tin vào Đảng do bởi các hành vi suy đồi cụ thể đó chứ họ đâu có thời gian để đọc những luận thuyết trên trời dưới biển, họ đâu bị các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chủ trương hay, việc làm ích nước lợi dân của các tổ chức Đảng, của các ông đảng viên...
Về phương diện tuyên truyền: Rất mong các cơ quan tuyên giáo của Đảng chỉ ra các thế lực thù địch nào, đã có các hành vi cụ thể gì tác động vào cái gì cụ thể để chống lại Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào Đảng ? Vậy xin hỏi Đảng một bộ phận đảng viên suy thoái nghiêm trọng như ý kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng là do thế lực thù địch chống phá điên cuồng cài vào, mua chuộc, dụ dỗ làm cho họ suy thoái, hay do nhân dân bị thế lực thù địch kích động nên đã làm ảnh hưởng tới một bộ phận đảng viên khiến cho các đồng chí ấy làm các việc làm giống như phường trộm cướp ?
Đảng ra đời, thoát thai từ nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng chở che, những điều này đã được văn kiện Đảng đề cập nhiều trong những năm 60 của thế kỷ trước, thế mà giời đây ??? Thế mà giờ đây đứng trước nguy cơ suy thoái, sụp đổ Đảng lại không nhận ra bài học vỡ lòng: Muốn củng cố Đảng, muốn xây dựng Đảng phải dựa vào dân, phải nghiên cứu xem tại sao nhân dân mất lòng tin; Đảng không những không hiểu vì sao nhân dân lại suy nghĩ về Đảng như hiện nay mà lại quay sang đổ cho thế lực thù địch, đổ cho các tác nhân khách quan làm hỏng Đảng ? Trong khi đó thì qua các chuyến thăm ngoại giao thấy Việt Nam có quan hệ hữu nghị với hầu hết các nước lớn trên thế giới ? Vậy xin hỏi các thể lực thù địch này nảy nòi từ đâu ra ?!
Đúng một con bệnh bị đổ bệnh rất nhiều trường hợp do tác nhân khách quan: bị phơi nhiễm do bị dịch lan truyền, thời tiết, khí hậu, môi trường…Nhưng xin hỏi tại sao cùng môi trường đó, hoàn cảnh đó số người bị mắc nhiễm bệnh chỉ chiếm phần nghìn, phần triệu; nếu là do khách quan chi phối thì tất cả bị nhiễm hết chứ ? Một điều sơ đẳng như vậy mà tại sao các bộ óc tinh túy nhất của Đảng cũng không nhận ra?
Xin thưa với Đảng rằng: nhân dân không chỉ là cái ngai bệ thờ để Đảng đặt lên đó những bức hoành phi sơn son thếp vàng vinh danh Đảng mà “ nhân dân “ còn là thị trường tiêu hóa các chủ trương chính sách của Đảng, è lưng ra để gánh, đóng thuế nuôi các ông Đảng viên ngồi lên đầu lên cổ mình ? Thế mà một hội nghị bàn về một việc đại sự; xem lại cách làm việc của Đảng lại không xem xét đến vai trò của nhân dân ?
Marx đã viết ( đại ý ): Quan hệ sản xuất không chỉ sản sinh ra vật phẩm tiêu dùng mà còn sản sinh ra người tiêu dùng; Bởi người tiêu dùng rất nhiều khi nó không phải là sản phẩm thụ động của quan hệ sản xuất mà nó còn tác động trở lại làm thay đổi quan hệ sản xuất…Điều này dễ hiểu vì đã quan hệ thì trường là “Cung-Cầu”; đây là một cặp phạm trù biện chứng, tác động qua lại hữu cơ chứ làm gì có chuyện áp đặt chủ quan một chiều ? Thế mà Đảng chỉ biết mình, chỉ biết trách nhiệm, vai trò của phía Cung mà bất cần biết hiện nay Cầu có còn như điều mình lập trình ? Khi thấy Cầu không như những điều đã lập trình trong “ bộ nhớ “ già nua, cổ lỗ, lỗi môd, quá đát do quan liêu, xa rời thức tế và không chịu học hỏi để nâng tầm mình lên… 
Đọc các văn kiện của Đảng những năm gần đây thấy các tổ chức Đảng, các cơ quan Đảng và các ông đảng viên bảo thủ rất dị ứng, hoảng hốt với phạm trù “ tự diễn biến hòa bình “…Báo Quân đội nhân dân đã dành hẳn chuyên mục thường xuyên viết các bài chống lại Tự diễn biến hòa bình ? Tại sao lại chống lại quy luật phát triển, sinh tồn tự nhiên như vậy ? Một cơ thể con người bình thường muốn duy trì sự sống hàng ngày phải ăn, ngủ, hít thở khí trời, phải thực thi một quá trình trao đổi chất thường trực, nghiêm minh thì mới duy trì được sự sống sinh vật; Một Đảng nhận là marxit, tồn tại và phát triển dựa vào 2 nguyên lý: Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử mà lại sợ sự tự diễn biến; về sinh học thực chất đó là quá trình trao đổi chất thuần túy sinh học… Trái tim nhỏ bé của cơ thể người hàng ngày phải bơm hàng trăm lít máu chở hồng cầu tới các bộ phận trong cơ thể và hút về các máu thải, máu đen để tinh luyện trở lại, để tái duy trì sự sống là điều mà một học sinh phổ thông cũng đã được dạy trên ghế nhà trường.
Những vụ án kinh tế lớn như PMU 16, Vinashin đã làm “ lộ hàng “, đã phơi bày cái mặt trái của cái cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ” ? Đảng lãnh đạo kiểu gì, nhà nước quản lý kiểu gì mà: cán bộ mang hàng trăm ngàn đôla tiền tham ô đi đánh bạc mà không biết, ( Bùi Tiến Dũng bị bắt không do cơ quan điều tra, quản lý phát hiện mà do vỡ lở từ một trùm tổ chức đành bạc bị bắt ); người tam rút ruột hàng tỷ USD ngân sách ( trong vụ VINASHIN ) trong một thời gian ngắn cho tới khi cạn kiệt rồi mới biết; một chủ tịch huyện ngang nhiên huy động trăm bộ đội, công an, dân phòng vào cướp phá tài sản của một nông dân làm ra bằng mồ hôi xương máu của mình giữa ban ngày lại có nguy cơ bị chìm xuồng nếu không có cư dân mạng, những nghĩa binh trong lĩnh vực thông tin nhảy vào cứu ? Nếu không có lực lượng này thì Đoàn Văn Vươn đã rũ tù chứ đâu phải nhờ vào sự sáng suốt của chính quyền và cấp ủy Hải Phòng ???
                         ( Còn tiếp )

Phần 2: Trị đảng viên hư bằng cách nào ?-


Không có nhận xét nào: