Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Chủ tịch Quốc hội: Có chút “bổng lộc”, cấm vẽ cách… chia chác

Lời bình của Trần Hữu Dũng: Diễn Đàn Toàn Câu Boston nên vinh danh ông Sinh Hùng "Chính khách dí dỏm nhất thế giới" năm 2015 (chia giải với Donald Trump)

Dân trí Đồng ý cơ chế đặc thù, tăng thêm về chi lương, tài chính cho cán bộ ngành thuế, hải quan trong giai đoạn tới nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhắc, tiền để lại là để bảo đảm lương cho anh em, không được “có chút bổng lộc mà vẽ cách… chia chác”.


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn).
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn).
Ngày 10/12, UB Thường vụ Quốc hội xem xét tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020.
Về biên chế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất số biên chế giao cho ngành Thuế, Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế được giao cho Bộ Tài chính. Cụ thể, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao đến tháng 3 năm 2015; đồng thời căn cứ điều kiện thực tế để thực hiện sắp xếp, sử dụng biên chế hợp lý theo chủ trương tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Tài chính trình bày, trong trường hợp đặc biệt, khi Chính phủ giao thêm nhiệm vụ mới hoặc Nhà nước có quy định chia tách địa giới hành chính phải thành lập bổ sung các Cục, Chi cục Thuế, Hải quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý.
Theo đó, ngành Thuế, Hải quan sẽ duy trì cơ cấu bộ máy 43.000 cán bộ, chưa phải thực hiện cắt giảm ít nhất 10% biên chế theo yêu cầu đã giao cho các cơ quan.
Về cơ chế tài chính, theo tính toán thì tổng nhu cầu nhu cầu kinh phí giai đoạn 2016-2020 của ngành Thuế và Hải quan bình quân là 23.773 tỷ đồng/năm (đối với ngành Thuế là 16.595 tỷ đồng/năm, đối với ngành Hải quan là 7.178 tỷ đồng/năm).
Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 1,8% trên dự toán thu NSNN hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Thuế thực hiện và được tổng hợp trong dự toán thu - chi NSNN hàng năm của Bộ Tài chính.
Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Hải quan (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 2,1% trên dự toán thu NSNN hàng năm.
Về tiêu chuẩn, chế độ chi, mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước. Riêng về mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan áp dụng không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Tiền lương tăng thêm và bổ sung thu nhập không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Chia sẻ với những thách thức, áp lực của ngành thuế, hải quan, cũng ghi nhận những nỗ lực của ngành thời gian qua, các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội tán thành thông qua cơ chế tài chính “ưu tiên” với  các đơn vị này.
Chủ tịch Quốc hội: Tiền dư ra là để đảm bảo lương cho anh em, không được chia chác.
Chủ tịch Quốc hội: Tiền dư ra là để đảm bảo lương cho anh em, không được chia chác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm nguyên tắc, mức chi tiền lương, tiền công hay phân phối tăng thêm không được “nhảy” ra ngoài mức trần như quy định.
“Dư ra được bao nhiêu từ bảo đảm chi thường xuyên thì phải lấy đầu tư, hiện đại hoá chứ không được lấy chia. Có chút bổng lộc mà vẽ cách chia chác, nhân ngày Tết để phân phối là không được. Thêm quyển sổ, quyển lịch thì được nhưng bớt đi để bảo đảm lương cho anh em” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu, làm sao cơ quan hải quan, thuế vụ cần sớm hiện đại hơn, từ đó cải cách hành chính bởi báo cáo vậy thôi chứ còn nhiều vấn đề. Chi thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán thì phải giảm xuống để tăng chi đầu tư xây dựng và hiện đại hoá trang thiết bị.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thực hiện quản lý sử dụng kinh phí, trên cơ sở nguồn ngân sách được trích thì các cơ quan Thuế và Hải quan rà soát sắp xếp lại khoản chi hợp lý theo đúng tỉ lệ và cơ chế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc các ngành thuế, hải quan phải cố gắng, nỗ lực từ 2016 đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trước mắt thu cho được số nợ thuế mấy chục nghìn tỷ đồng.
P.Thảo

Không có nhận xét nào: