Trong khi các Cty dầu khí trong nước lo ngại về mức nộp ngân sách, lợi nhuận bị thiệt hại nặng nề do giảm giá dầu, người dùng xăng, dầu trong nước lại chưa thực sự được hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm.

Giá xăng dầu “lên nhanh - xuống chậm”
Theo TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia phân tích giá dầu trong nước, diễn biến giảm sâu của giá dầu có nguyên nhân do tình trạng cung vượt cầu trên bình diện toàn cầu. Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô (hiện duy trì sản lượng khai thác ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày), vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm (ước khoảng 16,4 triệu tấn, với 50% phải nhập khẩu), giá xăng dầu nhập khẩu giảm là nhân tố tích cực giúp giảm giá bán lẻ, kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Tính đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã có 6 lần giảm giá và 4 lần tăng giá giúp giảm chi phí đầu vào và kiểm soát lạm pháp ở mức thấp nhất 16 năm qua đồng thời tiết kiệm một khoản ngoại tệ đáng kể khi nhập khẩu xăng dầu. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu đạt 4,8 tỉ USD, tăng về lượng và giảm 31,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, xét về tổng thể, diễn biến giảm giá xăng dầu trong nước chưa đạt được mức giảm tương ứng so với giá thế giới do cơ chế quản lý thị trường xăng dầu có độ trễ. 
Theo Nghị định 83, khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước chưa giảm ngay mà căn cứ vào giá xăng dầu của bình quân 15 ngày gần nhất, đồng thời các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo dự trữ quốc gia 15 ngày. Trong khi đó, hiện các loại thuế, phí thu qua giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, phí môi trường, trích lập quỹ bình ổn giá đã chiếm tới gần 50% giá xăng dầu thành phẩm khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước luôn ở tình trạng lên nhanh - xuống chậm khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi. 
Giá xăng trong nước vẫn chưa giảm khi giá dầu thế giới xuống dưới ngưỡng 36USD/thùng. Ảnh: Kỳ Anh 

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhìn nhận, giá xăng dầu giảm chính là điều kiện cần thiết để kéo giá hàng hóa thiết yếu giảm theo. Bởi theo tính toán, hiện chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, xét về lợi ích cho nền kinh tế, việc giá xăng dầu giảm có thể giảm chi phí đầu vào, từ đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.
Lấy gì để bù đắp hụt thu?
Ở khía cạnh hụt thu, theo Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), ngành này đã đưa ra các kịch bản tương ứng với các phương án giá dầu ở mức xấu nhất (50, 45, 40, 35, 30USD/thùng) và theo đó với mức sản lượng theo kế hoạch khai thác đạt 16,8 triệu tấn dầu thô trong năm 2015, trường hợp giá dầu xuống đến 35USD/thùng, doanh thu của PVN giảm còn 325,4 nghìn tỉ đồng, nộp NSNN giảm còn 94,1 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm còn 26,2 nghìn tỉ đồng. So với mức giá dầu 100 USD/thùng tính toán theo kế hoạch, tất cả các chỉ tiêu đều thâm hụt một nửa.
Dù Việt Nam hiện đã sản xuất được xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm 1/3 nhu cầu xăng dầu trong nước, song ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV Cty lọc hoá dầu Bình Sơn, chủ quản của lọc dầu Dung Quất - cho hay, giá dầu liên tục giảm sâu cũng khiến Dung Quất bị ảnh hưởng do phải dự trữ dầu thô đầu vào 15 ngày, trong khi giá mua dầu Bạch Hổ theo giá thế giới. Thêm vào đó, từ 1.1.2016, VN đã thực hiện các cam kết hội nhập, xăng dầu nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ có thuế suất bằng 0%, trong khi xăng dầu trong nước phải chịu thuế 5% với dầu diesel.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu hiện đã chạm đáy và có thể sẽ phục hồi vào nửa sau năm 2016, khi kết thúc các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU đối với Nga. Vì vậy, nhiều khả năng thị trường xăng dầu toàn cầu năm 2016 sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ xung quanh mức giá 50-55USD/thùng. Giá xăng dầu thấp như vừa qua khó kéo dài bởi tính phi kinh tế (dưới giá thành sản xuất trung bình thế giới từ 30-70USD/thùng cho công nghệ truyền thống và 60-100USD cho công nghệ khai thác mới dầu khí đá phiến). Vừa qua hơn một nửa số giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa vì thua lỗ càng là cơ sở vững chắc cho nhận định này.