Cú sốc giảm giá dầu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam năm tới, song chưa chắc đã là điều bất lợi trong trung hạn.
Giá dầu thế giới liên tục lao dốc từ đầu tháng 12, hiện về sát 35 USD một thùng, giảm 33% từ đầu năm. Đây cũng là mức thấp nhất của dầu thô thế giới hơn 10 năm nay. Trước những diễn biến khó lường của giá năng lượng, ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra các kịch bản kinh tế khi giá dầu giảm về ngưỡng 30, 40 và 50 USD một thùng.
Giá dầu giảm tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam, cả tiêu cực lẫn tích cực.
|
"Việc giá dầu thế giới giảm có tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam. Một mặt, nguồn thu từ dầu mỏ giảm do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô. Nhưng mặt khác, do cũng nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước nên giá dầu giảm cũng giúp cho Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước giảm giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất", cơ quan này nhận định.
Cụ thể, ở kịch bản giá dầu về mức thấp kỷ lục 30 USD một thùng, trung tâm này cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ giảm 1,36% so với cùng kỳ năm trước, chung cảnh ngộ với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Na Uy, Trung Đông, châu Phi. Lạm phát âm gần 4% do dầu là yếu tố đầu vào sản xuất nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, cán cân thương mại được hỗ trợ lớn khi kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 1,52% do kinh tế của các quốc gia là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam được cải thiện, chi phí nhập khẩu giảm 1,84%.
Tác động của việc giá dầu giảm về 30 USD một thùng tới kinh tế vĩ mô Việt Nam năm sau so với năm trước (Đơn vị: điểm %)
Tốc độ tăng trưởng
| Xuất khẩu | Nhập khẩu | Tỷ giá thực | Lạm phát | |
2016 | -1,36 | 1,52 | -1,84 | 4,04 | -3,95 |
2017 | 1,41 | 2,12 | 2,09 | 5,21 | 1,61 |
2018 | 0,59 | 1,07 | 1,66 | 5,88 | 0,4 |
2019 | 0,67 | 1,09 | 1,94 | 6 | 0,77 |
2020 | 0,63 | 0,76 | 1,94 | 5,45 | 0,98 |
Nguồn: tính toán của nhóm nghiên cứu Ban kinh tế thế giới (NCEIF)
Nếu giá dầu xuống mức 40 USD, so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng kinh tế năm tới giảm 0,85% trong năm 2016. Cú sốc này cũng khiến kinh tế Việt Nam đối mặt với giảm phát (lạm phát âm 2,52%), xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm.
Với kịch bản 50 USD, tăng trưởng kinh tế giảm 0,42% trong năm tới, lạm phát giảm 1,11%.
Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, khi tăng trưởng thế giới hồi phục, nền kinh tế Việt Nam cũng hồi phục dần ở ba kịch bản. Giá dầu giảm cũng tác động lên tỷ giá hối đoái đa phương, được nhóm nghiên cứu dự báo tăng thấp nhất 1,26% và cao nhất là 6% khi đồng USD mạnh lên.
Từ việc đánh giá tác động của ba kịch bản giá dầu trên tới kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới khuyến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu và chính sách của các nước đối tác kinh tế lớn để điều chỉnh tỷ giá hợp lý, có những biện pháp bổ trợ như nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, giảm giá xăng dầu để thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng và cải cách hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động của giá dầu thế giới giảm.
Đồng thời, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó chú trọng đến khu vực kinh tế thực và cải cách thể chế một cách sâu rộng để tạo môi trường, tiền đề tốt cho nền kinh tế cất cánh.
Trước việc giá dầu thô liên tiếp sụt giảm, trả lời trên VTV tối 13/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định đây là điều đã được cơ quan quản lý dự liệu. "Chúng tôi đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 60, 50, 45 USD mỗi thùng mà trường hợp 40, 35 thậm chí 30 USD một thùng cũng đã được tính toán", ông nói.
Ông cũng cho biết giá dầu giảm sẽ khiến tiết kiệm được chi phí nhập khẩu xăng dầu. Dự kiến năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 12,5-13 triệu tấn xăng dầu, và nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 36 USD thì sẽ tiết kiệm được 2-2,1 tỷ USD.
Huyền Thư
Bộ Tài chính: 'Nhập khẩu xăng dầu lợi hơn 2 tỷ USD nhờ giá giảm'
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định đã có kịch bản trong trường hợp giá dầu thô xuống 30 USD mỗi thùng, trong khi thu ngân sách hiện đã bớt phụ thuộc vào nguồn này hơn nhiều so với 5-10 năm trước.
Trước việc giá dầu thô tiếp tục sụt giảm, xuống mức 36 USD mỗi thùng, trả lời trên VTV tối 13/12, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định đây là điều đã được dự liệu.
- Năm 2016 Quốc hội dự toán thu ngân sách với giá dầu 60 USD mỗi thùng, nhưng nay chỉ còn 36USD thì tác động tới thu ngân sách ra sao?
- Giá dầu đúng là đã xuống ngưỡng 36 USD mỗi thùng, nhưng đây là giá cho các tháng trong tương lai chứ không ảnh hưởng đến thu ngân sách của năm 2015. Bởi thu ngân sách từ dầu năm qua chúng ta đã đạt và vượt, khi đem về khoảng 65.000-66.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng ngân sách không còn quá lo việc thất thu trước các cú sốc giá dầu.
|
- Vậy Bộ Tài chính tính toán thế nào nếu giá dầu tiếp tục đi xuống?
- Chúng tôi đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 60, 50, 45 USD mỗi thùng mà trường hợp 40, 35 thậm chí 30 USD một thùng cũng đã được tính toán.
Tuy nhiên phải nói rằng, thu ngân sách 2015 từ dầu thô ở mức 66.000 tỷ đồng thì chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu. Con số này thấp hơn cả phần nợ đọng thuế - 76.000 tỷ đồng. Thu dầu thô đã không còn là nguồn có tỷ trọng quyết định như 5-10 năm trước.
- Giá giảm như vậy sẽ tác động thế nào đến nhập khẩu xăng dầu thành phẩm?
- Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 12,5–13 triệu tấn xăng dầu, và nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 36 USD mỗi thùng như hiện nay thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 2–2,1 tỷ USD.
Đó là chưa kể, giá xăng dầu giảm thì sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất sẽ hạ. Tình hình kinh doanh, làm ăn của doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, khoản thu thuế từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, nên ngân sách càng hưởng lợi.
Trung Đức
Dự báo giá dầu xuống 30 USD/thùng, Nga lên kế hoạch đối phó
Nga dự báo giá dầu sẽ giảm đến 30 USD/thùng vào năm sau và bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho điều này.
Theo CNN, quan chức tài chính hàng đầu nước Nga Anton Siluanov vừa cho hay chính phủ nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho chuyện giá dầu giảm sâu hơn nữa trong năm 2016 vì dư cung toàn cầu tăng và các nguồn cung mới, đơn cử là từ Iran, sẽ bước vào thị trường.
“Tất cả đang chỉ ra rằng giá dầu thấp có khả năng thống trị trong cả năm sau. Và có thể có những giai đoạn khi giá dầu xuống còn 30 USD/thùng”, ông Siluanov nói.
Nếu đúng vậy, đây sẽ là một “nỗi đau” dành cho Nga - quốc gia có xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm gần một nửa doanh thu chính phủ.
Hôm 14.12, dầu thô thế giới diao dịch ở mức thấp nhất trong vòng gần 7 năm, xuống dưới ngưỡng 35 USD/thùng.
Nước Nga đang xây dựng kế hoạch với giá dầu trong khoảng từ 40 USD/thùng đến 60 USD/thùng trong 7 năm tới. Ngân sách năm sau của nước này được xây dựng trên mỗi thùng dầu có giá 50 USD. “Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho thời gian khó khăn”, ông Siluanov nói.
Nga dự báo thâm hụt ngân sách lên đến 3% GDP vào năm 2016, đây là mức cao nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận. Giá dầu giảm sẽ khiến chuyện cắt giảm chi tiêu là không thể tránh khỏi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay và thêm 0,6% trong năm 2016.
Lúc này, rúp Nga (RUB) lại trượt giá một lần nữa, với 70,5 RUB ngang giá 1 USD. Đây là mức thấp nhất trong bốn tháng qua và cận mức thấp kỷ lục của năm ngoái.
Nga là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng từ quyết định tiếp tục bơm nhiều dầu vào thị trường nhằm giữ vững thị phần của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nga, Venezuela, Nigeria và nhiều nước sản xuất dầu mỏ khác đã vận động để OPEC giảm sản lượng, từ đó nâng giá thành. Song những nỗ lực của họ không thành công.
Thu Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét