Rưng rưng chiều Nghi Xuân
TP - Nghi Xuân chiều 5/12 có hai ông tên Trọng dự lễ kỷ niệm 250 năm thi hào họ Nguyễn Tiên Điền. Nổi bật ở vị trí trang trọng, rưng rưng nén hương trong tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông dâng trước mộ cụ Nguyễn Du. Còn nhà thơ Vương Trọng ở vị trí khuất lấp dâng nén tâm nhang trước phần mộ cùng khu di tích khang trang mà 30 năm trước chưa có, thời điểm ông rưng rưng viết bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… thăm viếng Khu di tích Nguyễn Du.
Thanh minh trong những câu Kiều/Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Nghi Xuân chiều đại lễ chợt tạnh sau mấy bữa mưa. Chỉ thoáng lây rây vài hạt mưa bụi. Cái lạnh chớm đầu đông chẳng khiến khách dự lễ xuýt xoa mà chỉ đủ độ để xui sự xích lại gần nhau hơn một chút… Trong số khách về Khu tưởng niệm chiều qua có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những sải bước chầm chậm trong khu di tích. Bên cạnh là Chủ tịchQuốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phía sau một chút là một sứ giả hòa bình, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - bà Katherine Muller-Marin, người luôn có duyên truyền tải những di tích, công trình kiến trúc độc đáo, nhân văn của nước Việt, là cầu nối cùng sự thấu hiểu đồng cảm với nhân loại. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sải bước dường như chậm lại để nối thêm câu chuyện với GS Trần Ngọc Vương - người được coi là thông kim bác cổ, vốn là sinh viên khoa Văn sau ông Nguyễn Phú Trọng 9 khóa. Sau nữa là Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải mà lúc mới gặp, ông hồ hởi: Lần đầu được về chiêm bái cụ Nguyễn Du hên quá là hên.
Không thể không nghĩ đến thời khắc này tròn nửa thế kỷ trước, anh sinh viên khoa Văn khóa 8 (ĐH Tổng hợp) Nguyễn Phú Trọng cùng các bạn đồng môn Ngôn Vĩnh, Vũ Duy Thông, Phan Cung Việt (sau này là nhà văn, nhà thơ) tham dự buổi lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du với những tâm trạng khác nhau… Trao đổi nhanh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được biết, ông đã 3 lần về thăm Khu di tích và viếng mộ cụ Nguyễn Du với những cương vị khác nhau. Lần gần đây nhất đâu như 2010.
Năm tháng qua đi… Và cũng không thể không nhớ đến thời khắc Quốc hội bầu ông Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội khóa XII. Vẫn chất giọng bình thản thường ngày, ông bất ngờ dẫn hai câu Kiều Xét mình phận mỏng cánh chuồn / Không thiêng biết có vuông tròn cho chăng? (có bản chép là Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay). Có lẽ chả phải những người mê Kiều, thuộc Kiều, hiểu sâu Kiều mà người dân bình thường cũng thấm được thông điệp mà ông Chủ tịch Quốc hội truyền tải qua đôi câu Kiều ấy…
Bốn năm sau, ông Nguyễn Phú Trọng, người được bầu làm Tổng Bí thư cách đó chưa lâu, lại mượn tiếp cái câu trong Truyện Kiều để nhắn nhủ người kế nhiệm là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Cũng với chất giọng bình thản cố hữu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ dẫn tiếp hai câu Kiều nhưng dưới dạng lẩy. Ông Trọng thêm vào câu thứ hai một con số 5 nữa. Chén mừng nhớ bữa hôm nay / Chén vui xin đợi ngày này năm năm sau. (Nguyên văn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết Chén đưa nhớ bữa hôm nay / Chén mừng xin đợi ngày này năm sau). Cử tri cũng hiểu đây là lời chúc của tân Tổng Bí thư dành cho tân Chủ tịch Quốc hội. “Ngày này năm năm sau” được hiểu là kết thúc một nhiệm kỳ Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trong bày tỏ hy vọng ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Trưng bày các ấn bản Truyện Kiều ở khu di tích.
Bây giờ, hai ông Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đang nghiêm cẩn bên nhau, thành kính dâng hương trước bài vị nhà thơ Nguyễn Du nằm trong Khu di tích. Nhớ khi ghi sổ lưu niệm Khu di tích, Chủ tịch Quốc hội ghi Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Một triết lý sống-còn muôn thuở.
Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh). Còn và trường tồn những yếu tố nhân văn không ngừng lan tỏa đồng cảm… Phải vậy không mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1995, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2015 đã phải viện tới Kiều trong những trạng huống ngoại giao đặc biệt?
Tôi đứng lặng trước một cái tình hay gọi là của để dành của hiếm… Đó là 20 bộ tranh minh họa Truyện Kiều trên chất liệu giấy dó từng được trưng bày dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du ở Hà Nội năm 1965 đã được công phu rinh từ thủ đô về Khu lưu niệm Tiên Điền. Hàng trăm năm rồi 50 năm - nửa thế kỷ, Kiều vẫn tươi tắn, luyến láy, đong đưa qua nét vẽ của Đào Tam Tỉnh, Nguyễn Tư Nghiêm… Hai mươi bộ tranh minh họa Kiều, chắc còn hơn thế nữa, các họa sĩ tài danh của nước Việt một thời chừng như ai ai cũng gắng gỏi để chớp lấy cái thần thái của một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn hồng nhan đa truân. Hình như cố noi theo tiền nhân, cách phòng trưng bày 20 bộ tranh quý không xa cũng có hơn 150 bức tranh sơn dầu phóng tác minh họa Truyện Kiều với nhiều góc độ.
Tượng đài thi hào Nguyễn Du.
Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng Ban Quản lý khu lưu niệm, cho biết, trong những ngày chuẩn bị cho đại lễ sinh nhật Nguyễn Du, hằng ngày, từ 7h đến 18h, bình quân, hơn một ngàn người đến khu di tích. Có thể ông Khoa và quân Ban Quản lý khéo bày ra nhiều chương trình thu hút họ tự nguyện đến đây. Phải kể ra đây công sức và tài khéo tổ chức khi cho khai trương Phòng trưng bày Di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều. Đó là sự tập hợp bày biện bắt mắt của hơn 1.000 tác phẩm, tài liệu, hiện vật… Hơn 600 tác phẩm tài liệu khoa học, luận văn, luận án… tiêu biểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hơn150 đầu sách quý được số hóa cùng các hiện vật gốc về dòng họ và quê hương Nguyễn Du.
Những ngày lưu lại quê cụ Nguyễn Tiên Điền thấy Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trao giải Cuộc thi báo tường về “Thân thế, sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”. Có 204 đơn vị trong các trường học, trung tâm giáo dục tham gia cuộc thi với 567 tờ báo tường. Rồi Hội đồng Đội Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức chương trình tọa đàm “Chắp cánh ước mơ văn học thiếu nhi”. Các cuộc hội thảo, tọa đàm cung cấp nhiều thông tin bổ ích, quý giá về thân thế, sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du và giá trị đặc sắc của Truyện Kiều; những định hướng thiết thực cho thế hệ trẻ yêu thích văn học. Tôi gặp ở đây cha con ông Phan Thế Cải. Ông Cải viết báo, viết văn, mần thơ viết trên báo Hà Tĩnh câu chuyện Bác Hồ lẩy Kiều như thế nào thì đã đành. Nhưng cô con gái làm báo ở Vũng Tàu, cùng số báo của bài của bố cũng có một trang Làng tôi mê Kiều khá bắt mắt. Nếu thuở xưa ở huyện Hương Sơn có cuộc thi người mê Kiều thì thể nào bác tôi Phan Đình Trương cũng giành giải nhất…
Phát hành bộ tem thư đặc biệt “Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du”.
Tối qua, tại thành phố Hà Tĩnh diễn ra Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du và chương trình nghệ thuật mang tên Tiếng thơ ai động đất trời.
Phát hành bộ tem thư đặc biệt “Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du”Sáng 5/12 tại Hà Tĩnh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Cty Bưu điện Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du (1765- 1820). Việc phát hành tem nhằm thêm một lần nữa khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn hóa, văn học - nghệ thuật của Việt Nam và nhân loại; nhằm quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; làm cho mọi người dân hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 bloc do hoạ sỹ Nguyễn Du thiết kế với khuôn khổ tem 32x43 mm, bloc 90x90 mm. Mẫu tem thể hiện chân dung tượng đại thi hào, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Du nổi bật ở trung tâm. Phía sau là cuốn “Kim Vân Kiều truyện” ấn bản đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ. Mẫu bloc là những hình ảnh được khai thác từ chất liệu dân gian về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Xung quanh nền bloc là cốt truyện của tác phẩm bất hủ này. Trung tâm bloc là tem hình Nguyễn Du đang miệt mài đèn sách trong thư phòng và ấn bản tác phẩm Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Phía xa là vầng trăng toả sáng như tạo thêm chất thơ cho tác giả. Với gam màu ấm sáng và tông nâu hoài cổ, mẫu bloc đưa người xem lùi về quá khứ xa xưa, nơi có câu chuyện được đại thi hào tạo dựng nên tuyệt tác Truyện Kiều.Tem được in tại Cty TNHH MTV In tem Bưu điện bằng phương pháp in offset. Thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng của bộ tem là từ ngày 5/12/2015 đến 30/6/2017.Thái Anh
2 nhận xét:
GS Tiến sỹ Nguyễn Du??? giờ chỉ toàn gáo sứt to sù thôi!!!
Ngửi là thấy mùi Xuân Ba! Khí thum thủm...như trong chuyện tiếu lâm có hai anh bình cái trung tiện của quan tri phủ: " I hi! Quản thược chi âm", " Phảng phất chi lan chi vị"...
Đăng nhận xét