Cập nhật : 01:00 | 09/12/2015
- Cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và Mỹ, giữa Mỹ và Nga đang ở mức độ cao trào và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây cũng là lúc mà nỗi sợ hãi của Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể còn che giấu được.
“Ngưỡng hủy diệt” không xa
Thị trường dầu mỏ thế giới lại chứng kiến một cú sốc mới. Ngày 7/12, giá dầu giảm gần 6% và lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua xuyên thủng ngưỡng 38 USD/thùng. Dầu WTI giao tháng 1/2016 chỉ còn 37,65 USD/thùng.
Cho dù đã giảm 40% kể từ tháng 11/2014 và giảm tới 73% so với đỉnh cao nhưng giá dầu được dự báo có thể xuống tới 30 USD một thùng - một ngưỡng được đánh giá là sẽ tàn phá nhiều nền kinh tế, trong đó có Nga và đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu.
Hồi giữa tháng 9, Goldman Sachs còn dự đoán rằng, nếu cuộc chiến dầu khí giữa các nước còn kéo dài thì giá dầu phải xuống 20 USD mới giải quyết được tình trạng này.
Thị trường dầu mỏ thế giới lại chứng kiến một cú sốc mới.
|
Theo Morgan Stanley, đợt suy giảm của ngành công nghiệp dầu lửa lần này sẽ nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra vào năm 1986, thời điểm mà ngành này rơi vào đợt suy giảm mạnh nhất trong 45 năm.
Còn dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, giá dầu còn thấp ít nhất 5 năm nữa do nguồn cung vẫn dư thừa.
Dầu giảm giá không phanh là một sự thật tồi tệ và là một điểm yếu khó giấu giếm của Tổng thống Nga Putin. Hàng loạt các phân tích trong và ngoài nước cho thấy, nước Nga chưa chuẩn bị cho một cú sốc tiếp theo gây ra bởi giá dầu giảm.
Trước đó, nền kinh tế Nga dự trù ngân sách 2015 với giá dầu là 100 USD. Tuy nhiên, mức giá trong suốt cả năm chỉ quanh 45 USD. Trong hơn một năm qua, chính quyền cũng như người dân Nga đã phải chật vật thích nghi với cuộc khủng hoảng do giá dầu và đồng rúp sụt giảm.
Cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và Mỹ, giữa Mỹ và Nga đang ở mức độ cao trào và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
|
Gần đây, trên Itar-Tass, Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết, Quỹ Dự trữ của nước này có thể sẽ cạn sạch ngân sách trong năm 2016 nếu dầu thấp dưới 50 USD và Kremlin đối mặt với cú sốc kinh tế thứ hai. Hiện tại, quỹ dự trữ của nước này chỉ còn khoảng 1% GDP, so với mức gần 7% (tương đương hơn 77 tỷ USD) hồi đầu năm.
Dự trữ ngoại hối của Nga cũng đã tụt giảm khoảng 20 tỷ USD trong năm nay xuống còn khoảng 366 tỷ USD sau khi tụt giảm hơn 124 (-24,4%) trong năm 2014. Dự trữ hiện nay thấp hơn hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009. GDP quý III nước này giảm tới 4,3% và chính đại diện Bộ Kinh tế Nga cảnh bảo kinh tế nước này sẽ phải chịu một cú sốc thứ hai nếu giá dầu giữ ở mức 40 USD/thùng trong ba năm tới.
Sức mạnh kinh tế của ông Putin có thể còn suy yếu nhanh hơn dự báo bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục được kéo dài. Chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria tốn kém và gần đây là cuộc chiến thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga mất đi một đối tác nhập khẩu khí đốt rất lớn…
Cuộc chiến khó lui
Nhiều dự báo gần đây cho thấy, trong năm 2016, Nga đối mặt với rất nhiều thách thức, từ dầu khí giá thấp mà hậu quả là các nguy cơ về tài chính, trong đó có thâm hụt ngân sách và đồng rúp mất giá.
Dầu giảm giá không phanh là một sự thật tồi tệ và là một điểm yếu khó giấu giếm của Tổng thống Nga Putin.
|
Trong cuộc họp mới nhất, OPEC tuyên bố từ bỏ chiến lược hạn chế sản lượng để kiểm soát giá. Tổ chức này tiếp tục duy trì sản lượng 31,5 triệu thùng/ngày. Đây là nguyên nhân khiến dầu xuống dưới ngưỡng 38 USD. OPEC sẽ họp lại trong tháng 6 tới và trong thời gian chờ đợi, dầu có thể còn suy giảm.
Hầu hết các dự báo đều cho rằng, Saudi Arabia, Iraq, Nga và các nước sản xuất dầu lớn khác sẽ khai thác dầu hết tốc lực để bảo vệ thị phần. Iran sắp tới đóng góp một lượng dầu không nhỏ trong năm 2016 khi các lệnh cấm vận nước này được dỡ bỏ.
Cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và Mỹ, giữa Mỹ và Nga đang ở mức độ cao trào và có thể khiến OPEC, Nga suy yếu, trong khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước tiêu thụ dầu khác hưởng lợi.
Hiện tại, Saudi Arabia vẫn là nước dẫn dắt khối OPEC. Theo FT, giới lãnh đạo nước này vẫn tin tưởng mãnh liệt vào một chiến thắng trong cuộc chiến dầu mỏ lần này. Đây là lý do khiến OPEC không có ý định cắt giảm sản lượng khai thác dầu, không có ý định làm dịu cuộc chiến này, bất chấp cũng chịu những thiệt hại nặng nề.
Theo đánh giá của NH Raiffeisen International AG, giá dầu thấp là nguy cơ chính đối với kinh tế Nga dù nước này đã thích nghi được trong năm 2015. Nguy cơ này sẽ dẫn đến sự suy yếu hơn nữa của đồng rúp và những đợt lạm phát mới.
Với hàng loạt các áp lực dồn lên cùng một lúc, nền kinh tế Nga đang đứng trước rất nhiều rủi ro. Nếu tình trạng dầu giá thấp kéo dài, trừng phạt lẫn nhau triền miên và chi tiêu cho quân sự tốn kém, nền kinh tế Nga sẽ kiệt quệ.
Đây có lẽ là nỗi sợ hãi khó giấu giếm của ông Putin - người được Forbes chọn là nhân vật quyền lực nhất trên thế giới - trong 3 năm liên tiếp.
V. Minh
Nước Nga của Putin lo Trung Quốc ‘uy hiếp an ninh’
Cập nhật : 02:00 | 09/12/2015
Giới chuyên gia quân sự của Nga cho rằng, với tuyến đường sắt, quân đội TQ có thể đến các nước Trung Á chỉ trong chưa đầy ba giờ đồng hồ.
>> Xem lại Kỳ 1:Trung Quốc dùng đòn hiểm mưu lợi bá quyền
Khu vực trung tâm của dự án “con đường tơ lụa trên bộ” của TQ nằm ở Trung Á. Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế giữa hai khu vực Á - Âu, chúng ta có thể nhìn ra kiểu “cao ở hai bên và thấp dần ở giữa”. Cả TQ và châu Âu đều có nền kinh tế phát triển, trong khi Trung Á lại là “vùng trũng”. Trung Á sở hữu lượng tài nguyên vô cùng phong phú, đa dạng, nhưng hạ tầng giao thông thì ngược lại, cùng với khí hậu rất khắc nghiệt.
Vì vậy, Bắc Kinh chọn Trung Á làm khu vực trung tâm để xây dựng các “nhánh vành đai kinh tế”, từ đó sớm hình thành bộ khung của “con đường tơ lụa trên bộ”. TQ hy vọng, thông qua việc hoàn thiện hệ thống giao thông tại đây có thể xây dựng mạng lưới kinh tế nối liền Bắc Kinh với khu vực xung quanh. Tuy nhiên, nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Thứ nhất, các tập đoàn kinh tế của TQ ào ạt rót vốn đầu tư vào khu vực vốn dĩ có ảnh hưởng truyền thống của Nga, điều này khiến Moscow lo lắng, các nước nhỏ trong khu vực cảm thấy bất an.
Kế hoạch đường sắt kết nối TQ–Kyrgyzstan-Uzbekistan là một ví dụ. Tháng 4/2012, bản ghi nhớ về hợp tác giữa ba quốc gia được ký. Tháng 8 cùng năm, truyền thông Nga đăng tải loạt bài đánh giá việc hợp tác này là một thách thức và uy hiếp đối với an ninh của Nga.
Một chuyến tàu từ Nga vào ga tại thành phố Bishkek, Kyrgyzstan. Ảnh: Eurasianet.org
|
Các nhà phân tích Nga cho rằng, việc chính phủ Kyrgyzstan thỏa thuận với TQ nhằm xây dựng tuyến đường sắt đã làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế chính trị của Nga tại khu vực. Điều khiến họ bất an là toàn bộ hệ thống đường sắt mới được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu chứ không phải Liên Xô cũ. Khi đó, dự án sẽ phá bỏ toàn bộ hệ thống giao thông của Liên Xô cũ đã tồn tại bao năm tại khu vực.
Các chuyên gia quân sự của Nga thì cho rằng, với tuyến đường sắt, quân đội TQ có thể đến các nước Trung Á này chỉ trong vòng chưa đầy ba giờ đồng hồ. Nhằm cô lập và hạn chế ảnh hưởng của TQ, cũng là nâng cao vị thế của Nga tại khu vực này, tháng 5/2013, Nga đề xuất xây dựng “Tuyến đường sắt nối Nga với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan”.
Theo tính toán, tuyến đường sẽ đi qua bốn quốc gia này sau đó đến Afghanistan và xuyên qua Iran để đi đến các nước vùng vịnh Ba Tư. Dự án này được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo kinh tế, giao thông và kết nối an ninh khu vực.
Thứ hai, thách thức an ninh khu vực. Việc Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan khiến tình hình xung đột của nước này liên tục leo thang. Vấn đề tỵ nạn, xung đột tôn giáo, chủ nghĩa hồi giao cực đoan và chủ nghĩa khủng bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến an ninh tại đây. Mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc ở khu vực Trung Á chưa bao giờ hết nóng. Ngoài ra, Trung Á còn là nơi giao thoa và thường xuyên xung đột giữa nhiều tôn giáo, văn hóa và luồng tư tưởng khác nhau.
Thứ ba, Trung Á là hạt nhân của các “nhánh vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa” đi qua, nơi đan xen nhiều lợi ích, đồng thời là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường. Hiện nay cùng các “nhánh vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa” của TQ, Trung Á vẫn tồn tại hàng loạt các mô hình hợp tác kinh tế khác nhau. Mỹ đề xuất “kế hoạch con đường tơ lụa mới”; Nga đề xuất hình thành cộng đồng kinh tế Á - Âu; châu Âu thì đưa ra “chiến lược Trung Á mới”, v.v…
Từ những năm 1990, Mỹ đã ấp ủ xây dựng đường dẫn khí đốt từ Turkmenistan qua Afghanistan đến Pakistan và Ấn Độ, xong không thành. Năm 2011, Mỹ lại đề xuất “kế hoạch con đường tơ lụa mới” nối thế giới với Afghanistan. Mục tiêu là tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia láng giềng của Afghanistan, từ đó xúc tiến đầu tư thương mại, xuất khẩu năng lượng, và quan trọng nhất là khẳng định vị thế của Washington tại đây.
Tháng 6/2007, Liên minh EU thông qua “Chiến lược quan hệ đối tác mới với Trung Á”. Từ đó đến nay, EU đã tích cực đầu tư vào hạ tầng, kỹ thuật và thu được kết quả đáng kể tại khu vực này.
Có thể thấy, việc Bắc Kinh tiến hành mở rộng ảnh hưởng, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thông qua xây dựng ồ ạt các “nhánh vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa trên bộ” đang gặp phải không ít vấn đề. Ngoài thách thức của sự phức tạp về sắc tộc, tôn giáo cũng như mâu thuẫn chính trị tại khu vực, “siêu dự án” sẽ còn đối mặt với hàng loạt thách thức từ các cường quốc như Nga, EU và Mỹ.
Thật khó để Nga chia sẻ ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực vốn dĩ được xem là sân sau của mình. Mỹ càng không thể nào khoanh tay đứng nhìn TQ “Tây tiến” một cách dễ dàng, EU cũng không ngoại lệ. Liệu Bắc Kinh làm cách nào hóa giải những thách thức trên, đồng thời lựa chọn những bước đi để “siêu dự án” thành hiện thực?
• Tác giả Nguyễn Tăng Nghị hiện là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; Nghiên cứu sinh tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét