Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Sự thật về Bạch Mao Nữ: Nhiều thế hệ Trung Quốc đã bị lừa

CÙNG CHỦ ĐỀ

Câu chuyện về Bạch Mao Nữ vốn rất quen thuộc với nhiều người Trung Quốc cho đến cả Hoa kiều trên toàn thế giới, thậm chí có nhiều người khi gặp phải áp lực quá lớn trong công tác còn gọi đùa ông chủ của mình là “Hoàng Thế Nhân”, một nhân vật liên quan, để ẩn ý về sự “chèn ép”. Tuy nhiên, tất cả họ đều đã bị lừa.

Trung Quốc, Mao Trạch Đông, Lý Mãn Thiên, Hoàng Thế Nhân, Hoa Kiều, Dương Bạch Lao, Bạch Mao Nữ,
Ảnh: Internet
Hàm nghĩa về sự “chèn ép” này là do vở diễn “Bạch Mao Nữ” xuất hiện mấy chục năm nay, đã gieo tư tưởng “xã hội cũ biến người thành quỷ, xã hội mới biến quỷ thành người” vào lòng người.
Tuy nhiên, điều mà rất nhiều người không hề hay biết chính là: Bạch Mao Nữ vốn chưa từng phải chịu áp bức gì cả, mà Hoàng Thế Nhân thật sự là một địa chủ cần cù lao động, thích làm việc thiện.
Trước hết hãy nói nguồn gốc của đề tài này. Theo khảo chứng của tác gia Lưu Sa Hà, khu vực Tấn Sát Kí mấy trăm năm nay mãi lưu truyền câu chuyện “Bạch Mao tiên cô”. Dân gian tương truyền rằng trong một hang động của huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc, có một tiên cô toàn thân tóc trắng như tuyết cư ngụ. Tiên cô pháp lực vô biên, có thể trừ ác khuyến thiện, duy hộ chính nghĩa, xua đuổi tà ác, nắm giữ hết thảy họa phúc của nhân gian. Vì vậy mọi người đều đến đó bái lạy.

Bởi vì ở căn cứ địa Tấn Sát Kí trong những năm kháng chiến, buổi tối mọi người thường hay đến cúng bái Tiên cô, vì vậy “đại hội đấu tranh” thường không tiến hành được. Nhà văn Thiệu Tử Nam trong đoàn phục vụ chiến địa Tây Bắc ngay từ đầu đã chú ý đến đề tài này, vì cần thiết trong phối hợp “đấu tranh”, lôi kéo dân làng từ trong miếu Tiên Cô về phía mình, ông đã chế tác ra một tác phẩm dân gian truyền kỳ giả mạo, lấy chủ đề là “phá trừ mê tín, phát động quần chúng” làm chỉ đạo sáng tác, đây là nguyên mẫu của “Bạch Mao Nữ”.
Tháng 5/1994, Lý Mãn Thiên là kí giả của “Nhật báo Tấn Sát Kí” viết thư cho Chu Dương, đã giảng nói về câu chuyện này. Năm 1945, một số người của học viện nghệ thuật Lỗ Tấn ở Diên An sau khi đã trải qua cuộc vận động chỉnh phong Diên An, theo chỉ thị của viện trưởng Chu Dương, họ đã dựa vào câu chuyện truyền thuyết này và tình huống địa chủ Hà Bắc, sáng tác ra ca kịch “Bạch Mao Nữ”, và biến nó thành món quà tặng hướng đến “Đại hội toàn quốc lần thứ bảy”.
Nội dung chủ yếu trong ca kịch “Bạch Mao Nữ” là: tá điền Dương Bạch Lao bởi không hoàn trả nổi món nợ cho địa chủ Hoàng Thế Nhân mà bị bức ép đến chết, con gái Hỷ Nhi của ông bị dùng để trừ nợ, bị ép đến nhà Hoàng Thế Nhân làm công, rồi bị Hoàng làm nhục. Về sau cô chạy trốn vào rừng sâu, lót dạ bằng trái cây cúng trong miếu để sống qua ngày, đầu tóc vì vậy trở nên bạc trắng, bị người dân mê tín trong làng tôn xưng là “Bạch Mao tiên cô” (nàng tiên tóc trắng). Về sau, cô đã được Đại Xuân vốn là người yêu ngày trước của mình, giờ đây đã tham gia bát lộ quân cứu thoát, hai người cùng đi xuống núi, triệu khai đại hội đấu tranh, phân chia đất đai, đánh đổ địa chủ.
Nghe nói, Mao Trạch Đông còn đích thân tỏ ý đoạn kết trong vở kịch cần phải phản ứng chuyển biến trong chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tức “ruộng đất phải chia hết, Hoàng Thế Nhân phải bị bắn chết”. Bởi kháng chiến phải kết thúc, chính sách “giảm tô giảm tức” và “đoàn kết địa chủ” lại cần được thay thế bằng “cách mạng ruộng đất” và “đánh đổ giai cấp địa chủ” . Hiển nhiên dễ dàng thấy được rằng, chủ đề của “Bạch Mao Nữ” chính là muốn làm nổi bật sự “vĩ đại” của Trung Cộng, kết thúc một Trung Quốc “cũ”, bắt đầu một xã hội “mới”.
Vì để có được sự yêu thích của mọi người trên phương diện nghệ thuật, “Bạch Mao Nữ” không chỉ trên tình tiết mượn khuôn mẫu oan oan tương báo, giai nhân gặp nạn và anh hùng cứu mỹ nhân trong văn học dân gian, hơn nữa về mặt âm nhạc phần nhiều dùng nhạc điệu của hát dân gian lưu truyền rất lâu đời của Hà Bắc, Sơn Tây, lấy nhạc điệu và cải biến lại lời hát, ví như: “Gió bắc thổi” và “Quấn khăn đỏ” đều là luận điệu được sao chép lại.
Ca kịch “ Bạch Mao Nữ” đã trải qua hình thức nghệ thuật dưới lớp vỏ ngoài cao thượng đẹp đẽ sau khi lên trình diễn ở “khu giải phóng”, đã sinh ra kết quả không thể ngờ đến được: khơi dậy khát khao của mọi người đối với xã hội “mới”, và căm thù đối với chế độ xã hội “cũ”, cái tư tưởng “xã hội cũ biến người thành quỷ, xã hội mới biến quỷ thành người” bất tri bất giác đã được mọi người tiếp nhận —– dẫu cho bên cạnh mọi người vốn không hề nhìn thấy “Hoàng Thế Nhân” và “ Hỷ Nhi” gì cả.
Từ sau những năm 1949, sau khi ĐCSTQ cướp đoạt chính quyền thành công, những người làm công tác nghệ thuật này không chỉ đã diễn bộ phim “Bạch Mao Nữ”, còn biên soạn “Bạch Mao Nữ” với hình thức nghệ thuật kinh kịch, kịch múa ba lê. “Bạch Mao Nữ” trở thành một trong những hình tượng hư cấu quen thuộc nhất đối với người Trung Quốc.
Sau khi lớn lên tôi còn nghe những người già nói rằng, vào những năm Cách mạng Văn hóa, cứ mỗi năm vào đêm trừ tịch, trong lúc mọi người xếp thành từng hàng từng hàng dài để đi lấy một ít hàng tết được cấp dựa theo số người một cách nghiêm ngặt, trong các đài phát thanh, đài truyền hình đều sẽ chiếu lên “Bạch Mao Nữ” hư cấu này, mục đích chính là để mọi người chớ có quên đi “xã hội cũ muôn vàn đau khổ”, vậy nên cần phải trân quý cảm ơn “cuộc sống hạnh phúc hiện tại”.
Có lẽ có người sẽ phản bác, tuy “Bạch Mao Nữ” là hư cấu, nhưng Hoàng Thế Nhân không phải là tồn tại chân thật hay sao? Thực tế, theo cuộc khảo sát của một kí giả nào đó ở huyện Sơn Bình tỉnh Hà Bắc quê hương của Hoàng Thế Nhân: Hoàng Thế Nhân còn oan hơn cả nàng Đậu Nga năm xưa.
Hoàng Thế Nhân rốt cuộc bị oan ở chỗ nào? Theo điều tra của vị kí giả này, chúng ta trả lại một Hoàng Thế Nhân chân thật. Ông nội của Hoàng Thế Nhân là Hoàng Vận Toàn, vốn là một bần nông thật thà, trải qua một đời tằn tiện đã mua được 15 mẫu đất cằn cỗi khi vào tuổi bốn mươi, sau đó chăm chỉ lao động đầu tắt mặt tối cuối cùng mua được 105 mẫu đất để lại cho con trai duy nhất của ông là Hoàng Khởi Long. Hoàng Khởi Long học qua trường tư thục vốn là người thấu tình đạt lý, nghe theo giáo huấn tổ tiên thừa kế gia nghiệp, khiêm tốn làm người. Mấy chục năm nay, mở rộng gia nghiệp người cha để lại thành nghìn mẫu ruộng tốt, đồng thời có năm người con trai tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Năm người anh em Hoàng gia đều có danh tiếng tốt trong vùng.
Hoàng Thế Nhân là con trai cả, tự nhiên đã tiếp nhận sự nghiệp của cha. Ông là người thiện lương, thường hay cứu giúp người nghèo, hành thiện tích đức, trong vùng nổi tiếng là Hoàng đại thiện nhân. Hoàng Thế Nhân có một vợ bảy thiếp, con cháu thành đàn, gia đình hòa thuận. (Thời đó cho phép một chồng nhiều vợ).
Còn cha của Dương Bạch Lao là Dương Hồng Nghiệp là đại vương đậu phụ nổi tiếng trong vùng, mọi người xưng là “Dương đậu phụ”. Đậu phụ nhà họ Dương vừa ngon vừa rẻ nên rất nổi tiếng. Dương Bạch Lao và Hoàng Thế Nhân từ nhỏ đã kết bái huynh đệ. Dương Hồng Nghiệp 41 tuổi qua đời, còn Dương Bạch Lao sau khi kế thừa nghiệp cha, bởi không chăm chỉ làm ăn, thêm vào đó đã nhiễm thói cờ bạc thuốc phiện, từ đó khiến cho gia nghiệp suy bại. Người dân trong vùng đều rất xem thường ông ta.
Về sau, khi Dương Bạch Lao thua bạc mắc nợ một khoản tiền lớn không cách nào hoàn trả được, Hoàng Thế Nhân đã cho ông ta mượn 1000 đồng bạc, đồng thời cũng thu nhận cô con gái Hỷ Nhi chưa đến tuổi thành niên của ông ta. Dương Bạch Lao trốn nợ bên ngoài không còn mặt mũi nào để nhìn mặt người đời, cuối cùng đã tự tử mà chết. Lại là Hoàng Thế Nhân hậu táng Dương Bạch Lao, rồi nhận nuôi Hỷ Nhi.
Sự thật cho thấy những người sáng tác “Bạch Mao Nữ” trong các loại hình thức nghệ thuật đã đảo lộn sự thật, đã triệt để phá hủy hình tượng vốn có của Bạch Mao Nữ, Dương Bạch Lao và Hoàng Thế Nhân, để đạt được mục đích truyên truyền hận thù trong nhân dân của họ mà thôi.
Tác giả: Lâm Huy
Tiểu Thiện dịch từ NTDTV

Không có nhận xét nào: