Ngày xưa, có một ông vua tên là Đế Bính. Vua lên ngôi giữa lúc nước nhà có giặc xâm lăng bờ cõi. Hàng ngàn người đổ xô ngôi giữa lúc nước nhà có giặc xâm lăng bờ cõi. Thế giặc như nước, đi đến đâu cũng như vào chỗ không người, chẳng bao lâu chúng đã chiếm lấy kinh thành và ruổi về phương Nam. Trong cơn nguy cấp, một trung thần đưa vua và hoàng hậu lên thuyền chạy trốn ra biển khơi.
Không ngờ, đoàn thuyền đi được ba ngày thì một trận bão nổi lên đánh đắm tất cả. Những người trên thuyền đều không tránh khỏi tai nạn, trong đó có Đế Bính. Chỉ còn hoàng hậu và hai cô công chúa bấu vào được một mảnh ván, phó mặc cho sóng giạt nước trôi.
Hồi ấy, ở vùng cửa Cờn xứ Nghệ có một ngôi chùa cổ dựng trên một hòn đảo. Vị sư trụ trì ở đây là người quyết chí tu hành, ông tìm đến hòn đảo hẻo lánh này để rũ sạch bụi trần, bạn cùng kinh kệ. Hôm ấy trời về chiều, nhà sư đang đi tản bộ quanh chùa, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, tay lần tràng hạt. Thốt nhiên khi nhìn ra ngoài khơi, ông trông thấy thấp thoáng có một vật gì bập bềnh trên mặt sóng, bèn nghĩ: – Có thể là người đi biển bị nạn. Sau trận bão vừa qua có biết bao nhiêu là ván và đồ đạc trôi vào bờ.
Ta phải chèo thuyền ra xem, cứu được một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp. Nghĩ vậy, nhà sư vội vàng xuống bãi, cởi dây buộc thuyền rồi chèo ra khơi. Chỉ một lát sau, ông đã đến gần ba người phụ nữ đang lênh đênh cầu cứu. Lập tức, nhà sư đỡ từng người một lên thuyền của mình. Khi thuyền chèo về đến đảo, một mình ông lần lượt vực từng người lên chùa rồi đốt lửa cho họ sưởi, lại nấu cháo cạy miệng đổ vào. Sự chữa chạy tận tình của nhà sư không uổng. Khoảng độ canh năm, cả ba người dần dần tỉnh lại. Nhà sư chăm sóc vẫn không chút ngơi tay. Đến sáng hôm sau, cả ba người đều đã ngồi dậy được. Họ cho biết mình là ba mẹ con, đi thuyền không may bị bão. Khi biết rõ ai là ân nhân của mình, ba người đàn bà rạp xuống lạy tỏ ý cảm ơn. Nhà sư vui vẻ nhường cho họ chỗ nằm trong tăng phòng, rồi lui ra ngoài nghỉ cho lại sức. Ba ngày sau, sư trụ trì vẫn hết lòng chăm sóc ba người bị nạn. Có bao nhiêu lộc chùa, sư đều lấy ra khoản đãi. Sư còn chèo thuyền vào đất liền để tìm những thức ăn mà nhà chùa không có.
Mười lăm ngày trôi qua, sức khỏe của họ đã trở lại bình thường. Nhưng về phía nhà sư, lòng ông không còn bình thản như trước. Chưa bao giờ sư được nhìn thấy những người đàn bà mày ngài mắt phượng xinh đẹp đến thế, lại đã từng được gần gũi nên sư đâm ra thẫn thờ. Đã nhiều lần sư đọc kinh cầu nguyện suốt buổi, cố tránh sự cám dỗ, nhưng công trình hơn ba mươi năm tu luyện cũng không thể kìm giữ được lòng ham muốn. Vì vậy, việc trả họ vào đất liền để trao cho quan sở tại là việc dễ làm nhưng sư vẫn dùng dằng không quyết. Giữa một ngôi chùa trơ trọi, xung quanh là trời với nước, bên cạnh lại có ba người đàn bà yếu đuối và cô đơn, sư cho đó là một cơ hội hiếm có. Rồi một đêm kia, nhân lúc hai cô gái ngủ say, sư bèn đến bên cạnh người thiếu phụ…
Nhưng người đàn bà đã nghiêm nét mặt lại: – Ôi! Sao lạ thế? Ông là người cứu sống mẹ con chúng tôi, mẹ con chúng tôi suốt đời không quên công ơn to lớn đó. Nhưng còn việc đồi bại thì đừng có hòng! Tôi là gái có chồng và cũng biết nhân luân đạo lý. Còn ông là một kẻ ăn chay niệm Phật, lẽ nào nói đến chuyện sắc dục mà không thẹn miệng.
Nghe lời nói phải, nhà sư lủi thủi đi ra. Nhưng đến khuya, sư lại mò vào, tay cầm một con dao nhọn: “Nếu nàng không chịu, ta sẽ giết chết cả ba mẹ con rồi vứt xác xuống biển.”
Lời dọa của sư vẫn không làm cho người thiếu phụ sợ hãi. Nàng đánh thức hai con gái dậy và nói to: “Nếu ông cứ cố tình phạm vào người mẹ con chúng tôi thì sẽ phải hối hận. Mẹ con chúng tôi thà chết chứ không chịu nhục!”
Thấy ba người đàn bà quyết tâm kháng cự và toan đập đầu vào cột chùa, nhà sư đâm ra hối hận. Sư bèn ngăn họ lại rồi nói:
– Đừng làm thế! Đừng làm thế! Chính ta mới là kẻ đáng chết. Chao ôi! Ta có ba tội đáng chết. Đi tu mà chẳng trót đời: đó là một. Ép nài người đàn bà sa cơ lỡ vận: đó là hai. Ép nài không được lại toan hành hung: đó là ba. Ôi! Ba tội như thế, ta đáng chết lắm!
Nói đoạn, sư cầm ngược lưỡi dao đâm thẳng lên cổ chết ngay. Trước cái chết đột ngột của ân nhân, người đàn bà vô cùng hối hận. Bà gục xuống bên cái thây ma mà than khóc:
“Ôi! Ta nhờ có ông mà sống. Thế mà ông lại vì ta mà chết. Vậy ta còn mặt mũi nào mà sống lấy một mình nữa.”
Trong cơn xúc động đến cực điểm, bà liền chạy ra khỏi chùa rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Thấy mẹ chết, hai cô con gái than khóc rất thảm thiết rồi cũng nhảy xuống biển chết theo.
Mấy ngày sau, những người dân chài ở cửa Cờn vớt được xác ba người đàn bà. Nhìn kiểu ăn mặc và nhờ những tin tức nhận được, các quan chức cũng đoán ra đó là ba mẹ con hoàng hậu Đế Bính. Cũng vào lúc ấy, những người dân địa phương còn tìm thấy xác sư ông tự tử trong ngôi chùa trên đảo. Quan sở tại sau khi mở cuộc điều tra, dần dần cũng vén được tấm màn bí mật bao phủ lấy câu chuyện éo le trong ngôi chùa cổ. Về sau, để kỷ niệm những người đàn bà tiết liệt, dân chúng đã tạc tượng ba mẹ con, lập đền thờ gọi là đền Cờn. Trong đền cũng có cả tượng nhà sư, âu cũng là lời cảnh tỉnh cho những người mang chí tu hành, đừng vì một niệm dâm dục nổi lên mà hủy hoại công phu một đời.
Đền Cờn được coi là ngôi đền linh thiêng bậc nhất trong “đệ nhất tứ linh” của xứ Nghệ. Đền Cờn được xây dựng vào năm 1312 thời vua Trần Anh Tông, tọa tại làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu).
Đền nằm ngay sát cửa biển Lạch Cờn, có địa thế non nước hữu tình
(Ảnh: mytour.vn)
Mã Lương (sưu tầm và chỉnh lý)
Xem thêm:
Vị thiền sư và người thanh niên phẫn uất
Diễn đàn bình luận đạo đức xưa và nay: “Phú quý sinh lễ nghĩa”
có thật không?
Giải mã toàn tập: Vì sao người Trung Quốc trở nên xấu xí?
(Phần 4)
1 nhận xét:
Nếu đúng là Đế Bính thì đây là ông vua cuối cùng của nhà Nam Tống. Năm 1279, khi quân Nguyên đánh xuống phía Nam, một trung thần nhà Nam Tống là Lục Tú Phu đã ôm vua Đế Bính ( mới 2 tuổi) nhảy xuống biển- ở vùng châu Nhai-Đạm Thủy (Hải Nam) tự tận. Nếu có chuyện 3 phụ nữ kia thì đó là Thái hậu (mẹ vua) và các chị hoặc cô của vua chứ không thể là Hoàng hậu.
Đăng nhận xét