“Chúng tôi sẽ dành thời gian còn lại, theo chức trách của mình, góp sức để giải quyết cơ bản việc nổi lên lớn giải quyết dứt điểm. Không thể nói bàn giao khoá sau, ngày mai nghỉ, chiều nay vẫn phải làm, không thể tắc trách, trách nhiệm của anh anh phải làm” ???
Lời cuối nhiệm kỳ trước cử tri của Chủ tịch nước
Cập nhật : 09:49 | 05/12/2015
- Khẳng định đã tập trung thực hiện đúng chương trình hành động như cam kết trước cử tri cách đây 5 năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đã toàn tâm toàn ý nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, không phụ lòng tin tưởng của người dân.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 (TP.HCM) sáng nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu tổng kết nhiệm kỳ làm ĐBQH trước cử tri, nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi đã toàn tâm toàn ý nỗ lực thực hiện nhiệm vụ |
Chủ tịch nước dành lời cảm ơn cử tri đã tín nhiệm bầu ông làm ĐBQH khóa 13 nên ông có điều kiện theo quy định của Hiến pháp để QH bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016.
"Tôi ý thức được rằng, thực hiện tốt nhiệm vụ của Chủ tịch nước cũng là thực hiện nhiệm vụ ĐBQH mà cử tri đã tín nhiệm gửi gắm. Do đó, trong suốt nhiệm kỳ qua, tôi đã toàn tâm, toàn ý, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức trách của người đứng đầu Nhà nước theo quy định của Hiến pháp...Tôi tự thấy những nỗ lực đóng góp của mình cho đất nước trong suốt 5 năm qua đã không phụ lòng tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân và nhất là bà con cử tri đã trực tiếp bầu tôi làm người đại diện", Chủ tịch nước mở đầu phát biểu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong 5 năm qua, ông đã có 52 buổi tiếp xúc cử tri, với số lượt cử tri tham dự hơn 16.000, đánh giá chất lượng ý kiến cử tri tăng qua từng năm với nội dung dần được nâng lên và phong phú.
Nếu như đầu nhiệm kỳ, cử tri nêu những vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp, thì sau tham gia trực tiếp vào nhiều nội dung của QH trước và sau kỳ họp.
Cùng đoàn ĐBQH TP.HCM, ông đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, dành thời gian trả lời từ 10 đến 17 vấn đề. Bên cạnh đó là những nội dung thuộc nhóm ý kiến liên quan cơ quan TƯ.
Trong 5 năm qua, ông đã nhận 506 đơn kiến nghị của cử tri và chuyển đơn, tiếp công dân trực tiếp hoặc cùng bộ phận giúp việc tiếp xúc 316 buổi trong suốt 5 năm với hơn 400 lượt người.
Không để đơn thư lòng vòng
Trong tâm huyết giải quyết đơn thư kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước cho hay đã tăng cường chỉ đạo công tác tiếp công dân để giải quyết ngay tại cơ sở quận, huyện và thành phố, tránh tình trạng chuyển đơn lòng vòng gây phiền hà cho người dân.
Trên cương vị Chủ tịch nước, về lập pháp, ông đã tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp, các bộ luật, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước ban hành lệnh công bố Hiến pháp, các bộ luật và đôn đốc các cơ quan thẩm quyền cụ thể hóa Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước nhắc lại chương trình hành động cách đây 5 năm với các nội dung cụ thể, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cử tri, đôn đốc cơ quan các ngành, các cấp trả lời giải quyết kịp thời các khuyến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Chủ tịch nước cho biết đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới…
Trên cương vị ĐBQH, Chủ tịch nước khẳng định đã tập trung thực hiện đúng chương trình hành động, thực hiện tốt công việc tiếp xúc cử tri, lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân…
Cử tri quận 1 TP.HCM tại buổi tiếp xúc
|
Song Chủ tịch nước cũng thẳng thắn nêu các khuyết điểm, tồn tại. Một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ chưa hoàn thành như mục tiêu phấn đấu đưa đất nước đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa thật sự vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu giảm nhưng còn cao, sản xuất còn khó khăn, khu vực DN trong nước, nông nghiệp còn khó khăn, kinh tế tăng trưởng thấp hơn 5 năm trước, sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước nhiều mặt còn hạn chế, bức xúc của dân còn kéo dài, kỷ cương phép nước chưa nghiêm…
“Tuy tôi đã toàn tâm toàn ý phục vụ phấn đấu để phục vụ cho đất nước trong nhiệm vụ ĐBQH và là Chủ tịch nước nhưng do bị động quỹ thời gian nên tôi tự thấy việc tiếp xúc với bà con cử tri nơi mình ứng cử và giúp đỡ cử tri trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế so với yêu cầu của bà con. Tôi rất mong bà con cử tri thông cảm”, Chủ tịch nước phát biểu.
Chủ tịch nước cam kết, trong chương trình hành động từ nay đến hết nhiệm kỳ, sẽ tiếp tục rà soát nội dung còn hạn chế, có kế hoạch tiếp tục thực hiện đến hết nhiệm kỳ để phát huy vai trò người ĐB nhân dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Xuân Linh
Chủ tịch nước: Mai nghỉ, chiều nay vẫn phải làm
Cập nhật : 13:49 | 05/12/2015
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu quan điểm không thể vì còn ít thời gian mà không nỗ lực, bàn giao lại cho khóa sau giải quyết.
Gần như là cuộc tiếp xúc cử tri cuối cùng trong nhiệm kỳ QH khóa 13, tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận 1 sáng nay, Chủ tịch nước nhấn mạnh sự gửi gắm, tín nhiệm của cử tri là quan trọng.
Ông cam kết, trong trọng trách của mình, sẽ tận dụng thời gian còn lại, dành tối đa thời gian để giải quyết những bức xúc, trăn trở của nhân dân.
Đi đâu dân cũng kêu tham nhũng
Cử tri Nguyễn Thanh Cường, phường Tân Định, nhắc lại những cam kết phòng chống tham nhũng đến nay kết quả chưa làm cử tri hài lòng. Ông không đồng tình đánh giá thực trạng khó khăn, tham nhũng tinh vi.
Cử tri Nguyễn Minh Hoan, phường Tân Định yêu cầu phải thúc đẩy một lộ trình công khai tài sản của lãnh đạo quan chức trong vòng 5 đến 10 năm tới để giúp chống tham nhũng triệt để. Cũng như áp dụng những kinh nghiệm về công khai tài sản trước ứng cử như các nước để đảm bảo minh bạch.
Cử tri Nguyễn Hoài Nam dẫn ngay việc giám soát chưa hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Từ điện lực, dầu khí, cho đến than khoáng sản, các DNNN trong các lĩnh vực này đều sử dụng nhiều nguồn lực Nhà nước nhưng phát huy hiệu quả kinh tế kém, nợ đọng thuế, thất thu ngân sách.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận tình hình tham nhũng còn hết sức nghiêm trọng, trước Đại hội Đảng 12 thì đây là một vấn đề lớn mà toàn Đảng, toàn dân quan tâm, đi đâu cũng nói, họp cấp cao, từ trong Đảng đến QH đều đề cập.
Chỉ ra các nỗ lực lớn về kiện toàn cơ quan chống tham nhũng, ban hành chính sách, pháp luật thời gian qua song Chủ tịch nước cho rằng kết quả đạt được nhưng so với yêu cầu chưa đạt. Tại hội nghị TƯ 13, TƯ sẽ tiếp thu ý kiến của đại hội các cấp tỉnh thành về vấn đề này để tiếp tục chỉnh lý.
“Tôi lo nhất đi đâu dân cũng kêu tham nhũng, làm bao nhiêu việc nhưng đẩy lùi tham nhũng chưa được thừa nhận. Chúng tôi thấy trách nhiệm cũng chưa tròn trong chống tham nhũng. Một điều buồn nhất đó là coi bảng thống kê xếp VN đứng thứ bao nhiêu về tham nhũng. Tại sao nước mình anh hùng chống ngoại xâm oanh liệt mà chống tham nhũng đứng thứ trăm mấy, cảm thấy không chấp nhận được”.
Chủ tịch nước kêu gọi mỗi người dân, cử tri nhìn vào ngành, địa bàn mình mạnh dạn, dũng cảm chỉ ra những hạn chế, yếu kém để cùng khắc phục.
Không thể bàn giao khoá sau
Cử tri Nguyễn Trung Dũng, phường Nguyễn Cư Trinh đánh giá phiên chất vấn kỳ họp cuối vừa qua có nhiều thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời vấn đề cử tri quan tâm. Nhưng ông không hài lòng trả lời chất vấn còn chung chung, không cụ thể.
“Cử tri cho rằng, các bộ trưởng đã hứa nhiều. Vấn đề là kết quả cuối cùng có làm được không, không làm được bộ trưởng trả lời thế nào trước nhân dân, cử tri cả nước. Cử tri băn khoăn bộ trưởng không làm được có dám từ chức không?”, ông hỏi.
Ông Dũng cũng gửi gắm Đại hội Đảng toàn quốc 12 cần quan tâm bầu nhân sự đủ 3 tiêu chí “tâm-đức-tài” bởi đây là sự sống còn của chế độ, của Đảng và mong Đại hội sẽ bầu được những nhân sự như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu tại hội nghị TƯ vừa qua.
Cử tri Trần Bá Học hỏi về cải cách tư pháp, trong đó lấy trọng tâm là cải cách về con người tư pháp. “Nhiều vụ oan sai thời gian qua gây chấn động dư luận là minh chứng rõ ràng để thực hiện cải cách tư pháp”, ông kiến nghị.
Nhiều cử tri đề cập quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội bất cập.
Tâm tư trước nhiều bức xúc của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực xã hội ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém. Còn quá nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực, ngành nào cũng có chuyện.
“Quy mô đất nước mới trên 200 tỷ USD, kiểu quản lý thế này không thay đổi nguy hiểm ghê gớm. Bên cạnh sự thăng tiến của đất nước sau 30 năm đổi mới, vui mừng phấn khởi tự hào là đúng nhưng đừng quên bên cạnh đó là nợ công tăng nhanh, quản lý kém, kinh tế, văn hoá, xã hội còn nhiều chuyện”, Chủ tịch nước nêu.
Ông cho rằng, khi một vấn đề nghiêm trọng làm đi làm mãi không xong thì phải nhìn vào nội bộ. “Có câu “Chân đèn là chỗ tối nhất” rất đáng suy nghĩ, không hiểu nghĩa cứng nhắc như một công thức đóng khung nhất định nhưng làm mãi một sự việc không xong thì mình phải nhìn ngay nội bộ, bộ máy con người của mình”.
Nhắc lại nhiều lần trước cử tri sẽ tận dụng thời gian còn lại của nhiệm kỳ để nỗ lực giải quyết những bức xúc, Chủ tịch nước cho biết:
“Chúng tôi sẽ dành thời gian còn lại, theo chức trách của mình, góp sức để giải quyết cơ bản việc nổi lên lớn giải quyết dứt điểm. Không thể nói bàn giao khoá sau, ngày mai nghỉ, chiều nay vẫn phải làm, không thể tắc trách, trách nhiệm của anh anh phải làm”.
Xuân Linh
Sắp về hưu thì cho ra nước ngoài… học hỏi
Cập nhật : 02:00 | 05/12/2015
Nhìn vào lối chi tiêu kiểu “đền đáp” cán bộ về hưu, liệu chúng ta có thấy mối liên quan nào với chuyện hết tiền tiêu tại một số địa phương?
Thông tin 31 quan chức tỉnh Bình Phước, trong đó có nhiều người sắp về hưu hoặc chuyên môn không dính dáng chuẩn bị đi Canada học làm sổ xố bằng tiền ngân sách cùng với thông tin một số địa phương hết tiền tiêu đang khiến dư luận bức xúc.
Đi học rồi… về hưu
Hồi đầu tháng 11/2015, dư luận xôn xao vì trong đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại 3 nước của Đà Nẵng không có đại diện các sở chuyên ngành, vậy mà lại xuất hiện cả… tài xế của nguyên bí thư thành ủy (hiện là Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng) Trần Thọ.
Ngày 9/11, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cử cán bộ đi nước ngoài học tập kinh nghiệm xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập... tại Hà Lan và Nga. Hầu hết là mấy vị lãnh đạo sắp về hưu hoặc không phải chuyên gia hay cơ quan chuyên môn
Tiền Giang là tỉnh đã tổ chức cho các cán bộ, trong đó có cả những người sắp về hưu, đi học tập kinh nghiệm làm sổ xố tại Mỹ hồi tháng 12/2014. Phát biểu trên báo chí, bà Trần Kim Mai, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nguyên chủ tịch hội đồng giám sát xổ số tỉnh Tiền Giang giãi bày, kinh phí đài thọ là nguồn phúc lợi của công ty sổ xố tỉnh nhà để mời những người có nhiều đóng góp cho địa phương nhưng chưa một lần được đi nước ngoài, nay đi cùng như là một sự san sẻ, đền đáp…
Tranh minh họa: Tuổi trẻ |
Những chuyện này thoạt nghe có vẻ bất ngờ, nhưng từ lâu ở nhiều cơ quan, ban ngành nhà nước đã có lệ “đền đáp” cán bộ sắp về hưu như vậy. Trong khi nhiều cán bộ trẻ, năng lực đang độ sung mãn mong được đi học hỏi để áp dụng vào công việc thì chẳng có cách nào đi được.
Bao giờ học thật để làm thật?
GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản từng kể, Ikeda Hayato, thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1960 –1964 lúc còn là Bộ trưởng Tài chính đã dẫn một đoàn công du sang Washington. Lo lắng về tình hình kinh tế Nhật Bản khi ấy còn nhiều khó khăn, nên ở Mỹ, Ikeda đã cho nhân viên thuê khách sạn 3 sao (lúc đó giá 7 đô la Mỹ một ngày) và để tiết kiệm hơn nữa, hai, ba người ở chung một phòng.
“Nước Nhật vào thập niên 1950 nếu không có cơ chế cho sự xuất hiện của những “anh hùng” như đã thấy, thì có lẽ hiện nay Nhật vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình”, GS Trần Văn Thọ bình luận.
Một chuyên gia nhận xét, thời đại nào cũng vậy, chỉ một thời gian ngắn khi tiếp thu “những cái nhất”, Nhật Bản đã đuổi kịp các nước tiên tiến nhất và xây dựng Nhật Bản thành quốc gia tiên tiến nhất của của thời đại đó.
Ví dụ, vào thế kỷ 19, chính quyền Minh Trị đã tiến hành nhiều biện pháp để nhanh chóng tiếp thu văn minh thế giới.
Năm 1871, Thiên hoàng Minh Trị cử một sứ đoàn đi sứ các nước phương Tây, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là khảo sát xem cần phải học cái gì ở nước nào nhằm giúp Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Sau khi khảo sát cụ thể các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Nga,… nhìn nhận điểm mạnh - yếu từng nước, sứ đoàn đã đề xuất cụ thể các phương sách có hiệu quả để tiếp nhận văn minh phương Tây.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, bị bại trận, đất nước bị tàn phá nặng nề, Nhật Bản phải tiến hành cuộc “duy tân lần thứ 2”. Họ đã tiếp thu nền văn minh Mỹ để hiện đại hóa.
Chẳng hạn, sau chiến tranh, gần như thành lệ, con đường tiến thân của một nhà khoa học ở Nhật là phải có kinh nghiệm lưu học ở các trường danh tiếng của Mỹ. Cụ thể là, học đại học, sau đại học ở Nhật, chưa lấy bằng tiến sĩ, sang thực tập ở một trường danh tiếng của Mỹ, trở về Nhật lấy bằng tiến sĩ và làm giảng viên đại học. Bằng con đường như vậy, Nhật Bản đã học tập, thậm chí là nắm bắt được những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới.
Có thể nói chính vì học thật, làm thật, học hỏi vì khát vọng xây dựng nước Nhật tiên tiến, giàu mạnh nên Nhật Bản mới có ngày hôm nay.
Nhìn lại ta, trong lúc câu chuyện lấy tiền thuế của dân để đi “học hỏi” như một món phúc lợi chưa hết nóng, dư luận vừa thêm một phen choáng váng khi Thành ủy TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết “hết tiền hoạt động”, còn UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) thì đã thành con nợ bởi liên tục phải ứng trước để chi tiêu.
Cho nên, người dân đang đợi câu trả lời: Lối chi tiêu kiểu “đền đáp” cán bộ về hưu, có mối liên quan nào việc một số địa phương cạn kiệt ngân sách?
Nguyễn Anh Thi
------
Tham khảo:
- Hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển, Trần Văn Thọ, TBKTSG, 18/2/2010.
- Về cách thức tiếp nhận văn minh bên ngoài của Nhật Bản, TS. Nguyễn Tiến Lực, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét