Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 70.
Sau khi Trăm Xanh đột tử, kế đến Quảng Phệ bị bệnh bất ngờ không nắm được toàn bộ quyền binh. Đại thần nghị chính coi kinh thành là Sáng Quyết bãi miễn chức vụ làm chấp chính kinh thành.
Chúa nói với thuộc hạ.
- Có hai kẻ đáng sợ nhòm ngó ngôi Vương đã thất thế. Vệ Kính Vương muốn chọn ai trong số đại thần còn lại nối ngôi cũng không đáng ngại nữa. Từ nay tạm thời hoà hiếu với bên Vương Phủ để cùng lo gánh vác giang san.
Chúa và Vương trở nên hoà hoãn, quan hệ mật thiết, cùng bàn chuyện quốc gia đại sự. Chúa bàn với Vương.
- Nay ngân khố cạn kiệt, chẳng mấy hết tiền nuôi quân. Nước Tề lại trở mặt nhân lúc này để lấn áp ngoài biển nước ta. Chả còn nơi nào trông cậy, duy chỉ có mấy nước phương Tây có thể vay mượn thêm. Ý Vương tính sao.?
Vệ Kính Vương đưa tờ trình của sản thành đất Liêu tấu dâng đã hết sạch tiền nuôi quân cho Chúa xem. Mặt buồn rầu Vương nói.
- Chưa có đời Sản Vương nào mà Sản địa phương phải lâm cảnh túng quẫn như vậy. Nhưng nay vay mượn nước cựu thù, e rằng có mưu đồ bên trong đó làm diễn biến suy yếu nhà Sản. Cái đó không thể không tính.
Chúa nói.
- Các nước ấy chỉ cần ta nhạt nhẽo quan hệ với Tề, nay tạm thời bề ngoài ta cứ cương với Tề để mượn được tiền các nước ấy . Bên trong ta ngầm trấn áp bọn phản loạn chặt chẽ, không cho chúng cơ hội quy tụ tập trung sức mạnh. Chia rẽ, ly gián chúng khiến chúng tự đánh nhau mà suy yếu. Nhà Sản chỉ chết vì không có tiền, chứ có tiền là nuôi được quân, nuôi được quân thì có cái bảo vệ Sản Triều, có tiền là có tất cả. Đạo lý thời nay chỉ có chữ tiền làm chủ đạo mà thôi.
Vương than.
- Cả đời ta từ thuở niên thiếu, vì lý tưởng trong sáng, cao cả phụng thờ nhà Sản đến lúc tóc bạc trắng. Vẫn một niềm tin vào con đường Tiên Đế đã chon. Lẽ nào giờ đây quan quân nhà Sản chỉ vì tiền mà phụng sự triều Sản hay sao. ?
Chúa bàn.
- Quan quân bấy lâu nay khắp cả nước đều chạy theo tiền, vì tiền mà gắng sức đua nhau theo nhà Sản. Nay bảo không tiền mà vì lý tưởng, đột ngột ngay như thế chẳng ai nghe. Chi bằng cứ vay tiền về nuôi quân, đồng thời tăng cường dậy dỗ về lý tưởng phụng sự.
Vương nói.
- Đành vậy, bản Vương xưa nay không quen chuyện kim tiền, mọi sự trông cậy vào tể tướng.
Chúa tâu.
- Tiền vay ở đâu bản Chúa đã nhắm rồi, chuyện ấy không lo. Nhưng để cho Vương khỏi sợ chuyện nhà Sản bị các thế lực trong nước trỗi dậy tiếm ngôi. Còn cách nữa phải làm, xin minh xét.
Vương hỏi cách gì, Chúa đáp.
- Trước nay giữ được nhà Sản, trấn áp được bọn phiến loạn đều nhờ công của bộ Hình. Thời thế bây giờ phức tạp, các quan tổng đốc mọi nơi đều xuất thân từ khoa bảng. Mỗi khi có sự, quan bộ Hình địa phương lại phải tấu đơn xin phép. Như thế trễ nải, có khi không kịp, nhất là lúc dân chúng biểu tình thì càng không kịp xoay sở. Thần xin đề nghị tăng cường bổ nhiệm quan bộ Hình thay thế dần các quan tổng đốc. Vậy các quan tổng đốc sẵn có kinh nghiệm từ bộ Hình để trấn áp phản loạn.
Vương bảo.
- Thôi thì cứ theo các cách ấy mà làm.
Chúa về sắp đặt, phân bổ cho quan lại bộ Hình đi làm tổng đốc khắp nơi. Quan lại bộ Hình nào chưa được phân đều ra sức lấy lòng Chúa để hy vọng được thăng quan mới nhiều bổng lộc hơn. Các quan bộ Hình vì thế ngày đêm nghĩ mọi cách trấn áp dân chúng không từ thủ đoạn nào cả. Dần dần các quân lính bộ Hình cũng ỷ thế đang lên làm những điều xằng bậy, càn rỡ , lộng quyền. Thẳng tay đánh chết người liên miên khắp nơi. Triều đình làm không xử trị nghiêm, trái lại còn bao biện cho quân lính bộ Hình mỗi khi gây án mạng.
Năm thứ 70 triều nhà Sản, chúa Nguyễn tên chữ là Bạo, người đất Kiên làm tể tướng nước Vệ gần 10 năm. Dẹp xong phe đối nghịch liên minh Quảng, Quyết. Quyền hành Chúa thâu tóm thiên hạ, định đoạt sống chết bất từ dân đến đến quan lại. Tiếng tăm vang dội thiên hạ, ban đêm trẻ con khóc , bố mẹ chỉ cần nhắc tên Chúa là im thin thít.
Nhà Sản trở nên yên bình, không còn cảnh binh đao xô xát như những năm trước. Trái lại trong đám phiến quân trở nên xung đột dữ dội, không nhóm nào đủ sức để quy tụ nhân dân. Vệ Kính Vương thấy thế hài lòng nói với quần thần.
- Thằng Bạo tuy tham tàn, nhưng thời này, chỉ có nó mới giữ được nhà Sản.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét