Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Báo chí tranh luận với Thanh tra vụ tạm dừng phá biệt phủ trái phép

Cuộc tranh luận khá gay gắt giữa các phóng viên báo chí ở Đà Nẵng với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết luận của Tổ công tác do TTCP cử vào rà soát vụ biệt phủ trái phép của ông Ngô Văn Quang

   Báo chí tranh luận với Thanh tra vụ tạm dừng phá biệt phủ trái phép - Ảnh 1
Bà Lê Thị Thủy, Phó Tổng TTCP đang trả lời phỏng vấn báo chí giữa chừng thì bỏ đi với lý do theo bà nói là "có cuộc gọi của Văn phòng Chính phủ"! (Ảnh: HC)
Quan điểm trên Cổng thông tin điện tử!

Sáng 4/12, tại Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị giao ban về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo các tỉnh, TP khu vực miền Trung – Tây Nguyên với sự chủ trì của Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh và Phó Tổng TTCP Lê Thị Thủy.


Trong giờ giải lao, đông đảo phóng viên báo chí hoạt động ở Đà Nẵng đã gặp Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, đề nghị ông cho biết quan điểm về việc xử lý vụ biệt phủ trái phép của ông Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân. Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết mấy ngày qua ông đi công tác ở miền Trung, vụ biệt thự trên núi Hải Vân ông giao cho Phó Tổng TTCP Lê Thị Thủy phụ trách.

Khi được hỏi quan điểm của TTCP trong việc xử lý vụ biệt thự trái phép trên núi Hải Vân như thế nào, bà Lê Thị Thủy trả lời: “Cái này chúng tôi đã có văn bản và đưa lên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của TTCP. Báo chí có thể khai thác trên Cổng TTĐT của TTCP cho đầy đủ, toàn diện hơn!” (nội dung chính của văn bản này là TTCP xác định “vụ việc của ông Ngô Văn Quang thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng” – PV).

PV: Thưa bà, vừa qua TTCP có cử tổ công tác do Phó Cục trưởng Cục II TTCP Trần Văn Hồng làm Tổ trưởng, vào Đà Nẵng rà soát vụ này. Tại buổi làm việc chiều 26/11 với quận Liên Chiểu, ông Hồng có ý kiến kết luận: “Tổ công tác thống nhất với ý kiến của UBND TP Đà Nẵng tại công văn 9105/UBND-NCPC ngày 17/11, đề nghị tạm dừng việc xử lý tháo dỡ để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng TTCP và Thủ tướng Chính phủ”. Theo bà, ý kiến của ông Hồng có hợp lý, đúng luật hay không?

Bà Lê Thị Thủy: Chúng tôi đã yêu cầu ông Hồng có báo cáo bằng văn bản. Trên cơ sở báo cáo đó, chúng tôi đã thể hiện ra bằng văn bản của TTCP do tôi ký. Văn bản đó đã được chuyển tải lên Cổng TTĐT của TTCP. Quan điểm chính thức của TTCP là ở văn bản đó.

PV: Vấn đề là từ ý kiến kết luận của ông Hồng ghi trong biên bản làm việc chiều 26/11, quận Liên Chiểu mới có văn bản đề nghị ngày 27/11 và UBND TP Đà Nẵng có văn bản ngày 28/11 thống nhất chưa áp dụng biện pháp xử lý tháo dỡ khu biệt phủ trái phép này cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng TTCP. Như vậy, ý kiến kết luận của ông Trần Văn Hồng đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc Đà Nẵng tạm dừng xử lý cưỡng chế tháo dỡ biệt thự trái phép trên núi Hải Vân. Vậy bà đánh giá về ý kiến của ông Hồng như thế nào?

Bà Lê Thị Thủy: Các tổ công tác của chúng tôi đi làm nhiệm vụ và sau đó về báo cáo với lãnh đạo TTCP để xử lý các vấn đề có liên quan. Ý kiến của các tổ trưởng tổ công tác chỉ ghi nhận ý kiến của địa phương để về báo cáo lại, lãnh đạo TTCP sẽ nghe và xử lý vấn đề đó. Và ý kiến của ông Hồng được thể hiện bằng báo cáo gửi lãnh đạo TTCP. Hiện nay chúng tôi đã xử lý báo cáo đó và có văn bản trả lời là vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng.

PV: Thưa bà, vậy biên bản làm việc có chữ ký của ông Hồng cùng chữ ký và đóng dấu đỏ của lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu thì sao?

Bà Lê Thị Thủy: Tổ công tác đi thì ghi nhận lại và về báo cáo. Và toàn bộ báo cáo đó sẽ được lãnh đạo TTCP nghe và xử lý.

PV: Thưa bà, ở đây ông Hồng không chỉ ghi nhận sự việc mà còn đưa ra ý kiến kết luận tại buổi làm việc là tổ công tác đề nghị tạm dừng việc xử lý tháo dỡ. Trong biên bản có ghi rõ như vậy, có chữ ký của ông Hồng trong biên bản. Bà thấy như thế nào?

Bà Lê Thị Thu Thủy: Báo chí phải xem lại văn bản, bởi vì chúng tôi có một nguyên tắc là tất cả các tổ công tác đi chỉ ghi nhận ý kiến của các địa phương và báo cáo cụ thể, đồng thời đối chiếu với quy định pháp luật xem việc đó như thế nào. Lãnh đạo TTCP sẽ nghe, xử lý. Anh Hồng về báo cáo bằng văn bản và hiện nay tôi có văn bản báo cáo của anh Hồng trong tay. Trên cơ sở báo cáo của tổ công tác cùng các quy định pháp luật thì chúng tôi đã có văn bản về việc xử lý các vấn đề liên quan đến đơn của ông Ngô Văn Quang.

PV mở biên bản có chữ ký của ông Trần Văn Hồng, chữ ký của Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng và dấu đỏ của UBND quận Liên Chiểu đưa cho bà Lê Thị Thủy xem. Tuy nhiên bà “xin lỗi báo chí một tí” với lý do là “có cuộc gọi của Văn phòng Chính phủ”. Rồi bà cầm điện thoại đi ra ngoài hội trường.

Biên bản làm việc với quận Liên Chiểu là văn bản mật?

Ngay sau đó, ông Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 2 (còn gọi là Cục II, nơi ông Trần Văn Hồng làm Phó Cục trưởng) lên tiếng: Trước hết phải khẳng định tổ công tác đi thực hiện nhiệm vụ, và việc địa phương phản ánh là ghi nhận ý kiến đó.
Địa phương có phản ánh là ghi nhận những ý kiến đó và trách nhiệm của tổ là phải báo cáo về. Và anh Hồng về đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo ngay việc đó. Từ đó chúng tôi đã tham mưu để lãnh đạo TTCP có văn bản chỉ đạo vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Đà Nẵng và đề nghị UBND TP Đà Nẵng khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

PV: Thưa ông, trong biên bản ghi rõ…

Ông Bùi Ngọc Lam (cắt lời): Việc này tôi nói luôn, báo chí đưa biên bản tác nghiệp ra trong lúc chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền về vụ việc này, chúng tôi chưa nói vấn đề có vi phạm quy định pháp luật không.
Trong tất cả quá trình giải quyết vụ việc, khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền, việc đưa các tài liệu, thông tin ra là không đúng quy định pháp luật. Nếu biên bản này đồng chí nào đưa ra là tôi sẽ có ý kiến.

Chúng ta phải nói với nhau nghiêm túc, khi vụ việc thì phải người có thẩm quyền, ai có thẩm quyền kết luận cái đó. Còn anh cán bộ, công chức đi thực hiện nhiệm vụ, ghi nhận ý kiến đề nghị của người ta là ghi nhận.

Còn tài liệu này không được đâu nhé. Các đồng chí lấy ở đâu, nếu theo quy chế bảo mật của TTCP chúng tôi, các đồng chí ở Bộ Công an, là chưa đúng, là vi phạm bảo mật đấy. Cho nên đừng đưa lên. Tôi khuyên các đồng chí như thế!
   Báo chí tranh luận với Thanh tra vụ tạm dừng phá biệt phủ trái phép - Ảnh 2
Ông Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục II TTCP l cho rằng công khai biên bản làm việc giữa tổ công tác của TTCP với quận Liên Chiểu là vi phạm bảo mật! (Ảnh: HC)


PV: Thưa ông, thứ nhất biên bản này không đóng dấu mật!

Ông Bùi Ngọc Lam: Không! Không phải cứ phải đóng dấu mật! (rồi ông quay sang các cán bộ TTCP đứng bên cạnh). Những thông tin các đồng chí làm quy định pháp luật chúng ta đều biết, chưa có, vậy thì các đồng chí…

PV: Thứ hai, đây là vụ việc được công luận hết sức quan tâm trong suốt thời gian dài vừa qua. Văn bản của TTCP báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lập đoàn vào kiểm tra cũng ghi nhận là vụ việc được các cơ quan báo chí phản ánh rất nhiều.

Ông Bùi Ngọc Lam: Quan tâm thì cứ quan tâm

PV: Và công luận cần biết nội dung cuộc làm việc chiều 26/11 của Tổ công tác TTCP với quận Liên Chiểu như thế nào. Lẽ ra cuộc làm việc đó phải được thông tin rộng rãi để báo chí theo dõi, kịp thời phản ánh với công luận!

Ông Bùi Ngọc Lam: Có việc phải mời báo chí vào dự là cần thiết, nhưng có việc không mời báo chí!

PV: Thêm nữa, trong biên bản này ghi rất rõ, Tổ công tác thống nhất với ý kiến của UBND TP Đà Nẵng và đề nghị tạm dừng xử lý tháo dỡ
Ông Bùi Ngọc Lam: Để báo cáo! Rồi, để báo cáo!

PV: Ý kiến của ông Hồng là “đề nghị tạm dừng”, được ghi rõ trong biên bản, có chữ ký của ông!

Ông Bùi Ngọc Lam: Anh Hồng chưa phải là người có thẩm quyền!

PV: Bởi vậy chúng tôi mới hỏi TTCP có ý kiến như thế nào về ý kiến kết luận của ông Hồng, vì dù muốn hay không ông ấy cũng là một Phó Cục trưởng của TTCP, là người có chức năng chứ không phải là một cán bộ bình thường.

Ông Bùi Ngọc Lam: Việc này thẩm quyền của anh Hồng là ghi nhận ý kiến của địa phương và kịp thời về báo cáo. Ngày 30/11 anh đã có văn bản báo cáo ngay và được xử lý ngay. Đó là đúng quy trình. Người có kết luận chính thức, đóng dấu đỏ vào văn bản mới có tư cách để chỉ đạo xử lý!

PV: Ý kiến kết luận của ông Hồng trong biên bản này là một căn cứ chính để UBND TP Đà Nẵng ra công văn tạm dừng việc xử lý tháo dỡ công trình xây dựng trái phép!

Ông Bùi Ngọc Lam: Việc TP Đà Nẵng căn cứ vào văn bản nào là phải theo quy định pháp luật.

PV: Chính là UBND TP Đà Nẵng căn cứ vào biên bản này, vào ý kiến kết luận của ông Hồng được ghi rõ trong biên bản này!

Ông Bùi Ngọc Lam: Biên bản này chỉ là căn cứ về báo cáo với chúng tôi để ra văn bản chỉ đạo của TTCP!

PV: Đó là với các anh, nhưng với UBND quận Liên Chiểu và UBND TP Đà Nẵng thì người ta căn cứ vào ý kiến của ông Hồng!

Ông Bùi Ngọc Lam: Thế thì các đồng chí đừng ép việc của TP Đà Nẵng vào chúng tôi!

Cục trưởng không phải là người phát ngôn về việc làm của Cục phó?

PV: Chúng tôi không ép gì cả, mà chúng tôi muốn hỏi quan điểm của TTCP về ý kiến kết luận của ông Hồng là như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Lam: Tôi không phải là người phát ngôn của TTCP. Xin lỗi các đồng chí, tôi không phải là người phát ngôn của TTCP. Nếu đồng chí hỏi quan điểm của TTCP như thế nào thì mời lên Cổng TTĐT của TTCP, đã có văn bản ý kiến chỉ đạo; hoặc đồng chí tìm người phát ngôn hẳn hoi. Tôi không là người phát ngôn của cơ quan. Xin phép các đồng chí là như thế!

PV: Lúc nãy chúng tôi gặp Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thì được chỉ qua Phó Tổng TTCP Lê Thị Thủy. Bà Thủy bận đi rồi thì ông vào có ý kiến...

Ông Bùi Ngọc Lam: Đây là tôi trao đổi chứ không phải là người phát ngôn. Tôi muốn làm rõ để các đồng chí hiểu cái này, chứ không phải tôi là người phát ngôn, nhé! Nếu các đồng chí có phản ánh việc đó, tôi cũng không phải là người phát ngôn. Phải nói rõ như vậy!

PV: Ông đã nói vậy thì chúng tôi cũng xin phép kết thúc cuộc nói chuyện ở đây!

Trong khi các PV định quay đi thì chính ông Bùi Ngọc Lam kéo lại và nói tiếp: Quan trọng nhất là khi về thì anh Hồng đã báo cáo ngay và chúng tôi đã báo cáo kịp thời cho lãnh đạo TTCP có văn bản chỉ đạo TP Đà Nẵng. Đấy là việc làm rất cần thiết. Một vụ việc trên địa bàn chúng tôi quản lý nhà nước là phải nắm.
Có những vụ việc chúng tôi phải nắm nó như thế nào, bản chất nó thế nào. Còn cái biên bản này chỉ là biên bản nghiệp vụ. Có những cái tôi đi, tôi tiếp dân thì tôi phải ghi nhận ý kiến của dân, nhưng tôi chưa phải là người quyết định. Người ta có nói cái đó, ghi nhận việc đó để báo cáo, có văn bản chỉ đạo ngay. Đấy là đúng theo quy định và đúng thẩm quyền. Và chỉ khi nào người có thẩm quyền đóng dấu đỏ vào mới là chính thức!

PV: Chúng tôi lại phải nói với ông thêm lần nữa, nếu đúng như ông nói thì lẽ ra ông Hồng phải nói thế này: “Tổ công tác ghi nhận UBND TP Đà Nẵng có báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND TP theo hướng tạm dừng xử lý tháo dỡ, chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng TTCP và Thủ tướng Chính phủ!”. Như thế mới gọi là ghi nhận. Đằng này ông Hồng nêu rõ: Tổ công tác thống nhất, đề nghị tạm dừng. Đây đã là ý kiến của Tổ trưởng Tổ công tác chứ không còn là sự ghi nhận nữa.

Và chính vì có ý kiến này mà UBND quận Liên Chiểu mới có văn bản đề nghị và UBND TP Đà Nẵng mới có công văn thống nhất việc tạm dừng tháo dỡ công trình trái phép. Nên điều chúng tôi muốn hỏi là quan điểm của anh, cũng như của lãnh đạo TTCP về ý kiến kết luận của ông Hồng tại buổi làm việc với quận Liên Chiểu chiều 26/11 là như thế nào!

Ông Bùi Ngọc Lam: Đó chưa phải là ý kiến chỉ đạo của TTCP. Vì đây là văn bản tác nghiệp. Văn bản này mà ra ngoài, tôi không biết các bạn lấy ở đâu, nhưng cơ quan nào đưa văn bản này ra thì chúng tôi sẽ có ý kiến với cơ quan đó. Trong quá trình tác nghiệp, có người tham mưu trả lại cho anh này một lô đất, nhưng người quyết định có trả lại không. Chưa phải thế. Do đó, những việc, những phương án để giải quyết hoặc chỉ đạo vấn đề đó chưa phải là cuối cùng. Nếu báo chí chỉ lấy tôi dự kiến tham mưu đề xuất trả cho anh một lô đất là chưa phải, mà phải là người có thẩm quyền quyết định, Do đó, thông tin phải đợi cho đến khi có kết luận của người có thẩm quyền.

PV: Thưa ông, giữa tham mưu và có ý kiến kết luận đồng ý là hai cái khác nhau, hai thái độ khác nhau hoàn toàn. Ở đây là ông Hồng kết luận thống nhất với UBND TP Đà Nẵng, ông Hồng đề nghị tạm dừng xử lý tháo dỡ chứ không còn là tham mưu nữa!

Ông Bùi Ngọc Lam: Nói thế là đủ rồi nhé!

Sau câu này, ông Lam dời đi.
Theo Infonet

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Phép Vua thua lệ quan nhé.Không biết sau lưng ông Quang này là cái gậy của ông nào mà chắc vậy nhỉ?