Tác giả: Rob MacKenzie, University of Birmingham | Dịch giả: X Toàn
Dường như không cần phải suy nghĩ nhiều để nói rằng cây cối có tác dụng cải thiện chất lượng không khí. Xét cho cùng, chúng ta biết rằng cây cối hấp thụ khí cácbonic nhà kính (CO₂), và lá cây có thể giữ lại chất ni-tơ đi-ô-xít (NO₂) độc hại, khí ô-zôn, và các vi hạt gây hại sinh ra từ các phương tiện giao thông dùng diesel, từ nấu nướng hoặc từ khắc nung gỗ.
Nhưng một số nghiên cứu gần đây lại cho rằng trên thực tế cây cối khiến chất lượng không khí tệ hơn do giữ lại các chất độc hại ở tầng không gian đô thị. Khi quan sát kỹ các bằng chứng được đưa ra – và cách thức chúng được thu thập – ta sẽ thấy được nguyên nhân của sự tranh luận này, và có thể giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về ảnh hưởng của cây xanh lên môi trường đô thị của chúng ta.
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là, không phải cây xanh đã làm ô nhiễm không khí của các thành phố trong thế giới phát triển hiện nay. Các nhà sản xuất xe hơi biết quá rõ nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do các phương tiện giao thông trên bộ. Và những tác động của phương tiện giao thông đối với môi trường là sự kết hợp của cả cách lái xe và loại phương tiện sử dụng.
Cấu trúc của đô thị có nhiều đặc điểm làm ảnh hưởng tới dòng di chuyển của không khí xung quanh một thành phố. Các cấu trúc làm chắn không khí như các tòa nhà và các cấu trúc mà không khí có thể len lỏi qua như cây xanh, cả hai loại cấu trúc đều làm luồng không khí chệch khỏiđường đi vốn ban đầu được định hình bởi các điều kiện thời tiết, chẳng hạn như bởi sự tăng giảm khí áp. Cấu trúc đô thị đã biến các cơn gió mát mẻ thành lốc xoáy có thể cuốn theo các chất ô nhiễm gần nguồn ô nhiễm – tác động tới những người dễ bị tổn thương tim hoặc phổi – hoặc nâng các chất đó lên từ dưới mặt đất.
Kết cấu đô thị sẽ ngăn lại hay nâng không khí lên phụ thuộc nhiều vào vị trí cụ thể của các con đường, tòa nhà, vườn cây, cây xanh trên phố, côn trùng, thậm chí bảng quảng cáo và các đồ vật công cộng trên đường như đèn điện, biển báo…
Các điểm vướng mắc
Cây xanh tác động lên môi trường đô thị theo một vài cách không dễ phát hiện. Từ thay đổi dòng chảy không khí, giữ lại các chất lắng ô nhiễm, tới việc ảnh hưởng kết cấu hóa học của không khí, các tác động của chúng vừa rộng khắp vừa khó xác định.
Khi không khí cuộn và xoắn qua các kết cấu đô thị, các vi hạt ô nhiễm có thể lưu lại trên bất cứ bề mặt nào. Đặc biệt là cây xanh, chúng giữ lại rất nhiều những hạt vi mô này, bởi vì cây xanh có nhiều bề mặt rỗ và lớn. Có một cách giúp chúng ta xác định xem cây xanh có giúp giảm ô nhiễm hay không, đó là ước tính khối lượng chất ô nhiễm đọng lại trên bề mặt lá cây. Các thí nghiệm đo lường này thường được thực hiện ở giữa các cánh đồng bằng phẳng, vì như thế dễ phân tích các kết quả hơn. Nhưng đương nhiên, thành phố là một môi trường rất khác, và không rõ những kết quả này liệu có còn đúng trong một môi trường đô thị rất phức tạp.
Tất nhiên các nghiên cứu thực nghiệm có thể chỉ ra rằng chất ô nhiễm cuối cùng cũng sẽ đọng lại trên lá cây. Nhưng không dễ dàng để từ những phép đo như vậy có thể ước lượng được nồng độ chất ô nhiễm (lượng chất ô nhiễm trên một mét khối không khí) thay đổi như thế nào. Và chính sự thay đổi nồng độ đó mới là điều cần quan tâm, vì chúng ta hít thở không khí, chứ không phải hít bề mặt lá cây.
Một số chất ô nhiễm, như khí NO₂, sinh ra do con người đốt nhiên liệu hóa thạch và từ các phản ứng hóa học diễn ra trong không khí. Các chất ô nhiễm khác, đáng chú ý là Ô-zôn, chỉ được tạo ra thông qua các phản ứng giữa các loại nitrogen oxide (NOx) với hơi bốc lên từ các chất dung môi, xăng dầu và các chất hóa học tương tự trong không khí. Quá trình hình thành khí ô-zôn độc hại này hoàn toàn là do việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch: đặc biệt khi trời nóng, các điều kiện mùa hè ổn định sẽ cung cấp ánh sáng cần thiết để kích hoạt các phản ứng hóa học, trong khi thời tiết không có gió sẽ ngăn việc làm loãng chất ô nhiễm vào trong khí quyển toàn cầu.
Nhưng không chỉ việc đốt nhiên liệu hóa thạch mới tạo ra khí ô-zôn, cây cối cũng giải phóng các chất hóa học phản ứng với NOx để tạo ra ô-zôn, đôi khi với lượng đủ để tạo ra sự khác biệt, thậm chí ở các khu vực đô thị.
Cây cối cũng chiếm một phần không gian. Các công viên và vườn cây thường không phải là những địa điểm có nồng độ lớn các chất gây ô nhiễm, nên chúng chính là không gian quan trọng để pha loãng ô nhiễm. Điều này đã được các nghiên cứu thống kê kiểm chứng, chúng chứng minh rằng nồng độ các chất ô nhiễm không khí thay đổi theo kết cấu khu vực lân cận với đô thị: mức giảm nồng độ chất ô nhiễm ra khỏi các con đường đông đúc phụ thuộc vào chiều cao của các tòa nhà gần đó.
Cần có cái nhìn tổng quát
Khi đánh giá các nghiên cứu về tác động của cây xanh lên sự ô nhiễm không khí ở đô thị, cần nhớ rằng không một nghiên cứu đơn lẻ nào có thể giải đáp được tất cả vấn đề. Với quá nhiều các quy trình cần đánh giá, cũng dễ hiểu khi các thí nghiệm thực hiện ở các vị trí khác nhau, sử dụng các phương pháp khác nhau, sẽ tạo ra các kết quả rất khác nhau.
Để có một nghiên cứu với câu trả lời dứt khoát, có thể sẽ mất nhiều tháng cho việc đo lường để so sánh trước và sau khi gieo trồng cây, hoặc một loạt ngắn hơn các đo lường đồng thời ở hai vùng đô thị giống hệt nhau ở tất cả các khía cạnh ngoại trừ khía cạnh cây cối, trong đó ở một vùng sẽ không có cây xanh hay một số dạng thực vật khác. Cả hai hướng tiếp cận đều cần chi phí lớn và khó thực hiện ở các thành phố đông đúc, vốn luôn luôn bị tác động bởi tất cả các nhân tố biến đổi khác.
Vậy nên, chúng ta sẽ chọn cách kết hợp các bằng chứng trong các báo cáo khoa học lại với nhau. Khi làm vậy, đầu tiên hãy xem nghiên cứu đó đề cập tới việc không khí được phát tán trong các vùng đô thị như thế nào, và nhớ rằng sự phát tán như vậy phụ thuộc vào tất cả mọi yếu tố trong cấu trúc đô thị, chứ không chỉ là phụ thuộc vào cây xanh. Cũng nhìn xem nó có nhắc đến sự loại bỏ chất ô nhiễm qua hình thức lắng đọng trên các bề mặt hay không và nếu có thì như thế nào, rồi kiểm tra xem nghiên cứu có đánh giá tác động của sự pha loãng chất ô nhiễm và ảnh hưởng của thành phần hóa học khí quyển hay không. Cuối cùng, hãy đánh giá kết quả của bất kỳ một nghiên cứu nào dựa trên hướng tiếp cận hệ thống tốt nhất hiện có đối với cây xanh trong đô thị trước khi đưa ra kết luận.
Việc thắc mắc liệu các thành phố có nên trồng cây xanh không giống như hỏi xem con người có nên mặc đồ hay không vậy. Cây xanh đô thị luôn luôn có thể mang lại một “giải pháp thiên nhiên” cho một vài vấn đề cấp bách của môi trường đô thị, nhưng có thể không theo cách mà dường như các nhà khoa học và những người làm chính sách hiện nay đang nghĩ. Sử dụng cây xanh vẫn hơn là đưa ra một một giải pháp kỹ thuật làm giảm bớt các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, nhằm che giấu nỗi ám ảnh ô nhiễm của chúng ta. Trồng thêm cây xanh trong đô thị có thể thay đổi toàn bộ cảnh quan thành phố, tạo thuận lợi để xây dựng các thành phố đáng sống, nơi đề cao giá trị thiên nhiên như là một phần không thể thiếu của một trung tâm môi trường, kinh tế, và xã hội.
Rob MacKenzie là một giáo sư khoa học khí quyển ở trường University of Birmingham ở Anh quốc. Nguyên gốc bài báo này được đăng trên TheConversation.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét