Chưa đúng quy định
Trao đổi với Lao Động, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Nghệ An, ông Thái Huy Vinh cho hay ông “rất băn khoăn” về việc thị xã Cửa Lò bổ nhiệm một người không có bằng cấp sư phạm lên vị trí Trưởng Phòng GD - ĐT. Ông Vinh cho biết trong toàn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay đây là trường hợp đầu tiên.

Khi PV hỏi trong trường hợp tân trưởng phòng do không có chuyên môn sư phạm chỉ đạo sai thì ai chịu trách nhiệm, ông Thái Huy Vinh trả lời: "Cái đó thì UBNB thị xã Cửa Lò phải có trách nhiệm chỉ đạo sát sao hơn". 
Còn Sở Nội vụ Nghệ An hiện cho biết tỉnh Nghệ An chưa có văn bản quy định bắt buộc chức danh Trưởng Phòng GD – ĐT phải có bằng sư phạm.
Quyết định số 66/2008 ngày 14.10.2008 quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ của UBND tỉnh Nghệ An nêu: “Việc luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo giữ một chức vụ khác theo quy hoạch nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải căn cứ vào yêu cầu công tác và phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường của người được luân chuyển” (Điều 13).
Đây chính là nguyên nhân dấy lên dư luận rằng việc điều một Trưởng Phòng GD – ĐT có kinh nghiệm công tác giáo dục xuống làm Bí thư phường và điều một vị Bí thư phường không có chuyên môn sư phạm lên làm Trưởng Phòng GD – ĐT là chưa đúng với quy định trên.
Thị ủy ra quyết định thôi chức do Ủy ban bổ nhiệm? 
Điều 14, Quyết định 66/2008 của UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn quy trình luân chuyển cán bộ lãnh đạo: “1.Cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; 2. Cấp uỷ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thảo luận phê duyệt kế hoạch luân chuyển hàng năm trong phạm vi thuộc thẩm quyền của mình”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuân - Trưởng Phòng GD – ĐT TX Cửa Lò, thì từ trước đến nay, ông chưa nắm được kế hoạch luân chuyển ông sang vị trí Bí thư phường của UBND thị xã.  Ngày 27.11.2015, ông Nguyễn Nam Đình - Bí thư Thị ủy Cửa Lò ký Quyết định số 47/QĐ-ThU điều động, luân chuyển ông Nguyễn Văn Tuân thôi giữ chức Trưởng Phòng GD – ĐT đến giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu.

Trong các căn cứ của Quyết định 47 không có đề nghị, kế hoạch luân chuyển của UBND TX Cửa Lò, chỉ dựa vào đề nghị của Ban Tổ chức Thị ủy, không có nội dung trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên là Sở GD - ĐT.

Điều “tréo ngoe” của văn bản nói trên là một cơ quan Đảng lại ra quyết định miễn nhiệm chức danh thuộc cơ quan quản lý Nhà nước (Trưởng Phòng GD – ĐT), do Chủ tịch UBND thị xã bổ nhiệm. Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An quy định (Khoản 5, điều 2, Quyết định 66/2008): “Cấp nào có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm thì cấp đó có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm hoặc chấp nhận đơn từ chức của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo”.

Theo tinh thần của Quyết định 66, thì trong trường hợp này, việc luân chuyển, điều động chức danh Trưởng Phòng GD – ĐT phải do Chủ tịch UBND TX Cửa Lò thực hiện. Cho đến sáng 3.12, ông Nguyễn Văn Tuân vẫn chưa nhận được Quyết định miễn nhiệm chức danh Trưởng Phòng GD – ĐT của Chủ tịch UBND TX Cửa Lò.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân là Bí thư chi bộ Phòng GD – ĐT, thì Quyết định số 47 của Thị ủy Cửa Lò không hề nhắc đến, nghĩa là ông Tuân dù đã sang làm Bí thư phường Nghi Thu vẫn đồng thời đương chức Bí thư chi bộ?

Vì còn nhiều điều bất hợp lý trong quyết định của cấp trên và nguyện vọng tiếp tục cống hiến trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Tuân chưa chấp hành quyết định luân chuyển, tiếp tục kiến nghị xem xét, dù biết làm vậy có thể bị kỷ luật.
Trưởng Phòng GD – ĐT phải có kinh quan thực tiễn giáo dục
Do đặc thù chuyên môn, nhiều địa phương đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh Trưởng Phòng GD – ĐT. Bình Thuận quy định trưởng phòng GD - ĐT phải có ít nhất 7 năm công tác trong ngành giáo dục và ít nhất 3 năm làm công tác quản lý giáo dục. Quảng Ngãi quy định Trưởng Phòng GD phải có từ 5 năm công tác trong ngành. Tỉnh Sơn La bắt buộc Trưởng Phòng GD – ĐT phải có bằng ĐHSP, có ít nhất 3 năm làm cán bộ quản lý giáo dục. Tỉnh Lào Cai quy định Trưởng phòng GD có thời gian công tác trong ngành 3 năm trở lên, được 2/3 số người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đánh giá khá về hiểu biết và năng lực, tín nhiệm.